Hotline: 0941068156
Thứ năm, 01/05/2025 00:05
Thứ tư, 30/04/2025 16:04
TMO - Ngày 30/4, thông tin từ Lãnh đạo UBND Lâm Đồng, địa phương vừa khánh thành Nhà máy xử lý rác thải rắn Liên Đầm (huyện Di Linh). Đây là nhà máy hiện đại nhất tỉnh có thể sản xuất đất sạch từ rác, với công suất 150 tấn/ngày đêm.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thêm, việc khánh thành Nhà máy xử lý rác thải huyện Di Linh hôm nay là một bước tiến quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược phát triển xanh của tỉnh. Nhà máy không chỉ có ý nghĩa giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt, hạn chế ô nhiễm môi trường, mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Đây cũng là nhà máy đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng có thể sản xuất đất sạch từ rác thải rắn. Nhà máy do Công ty công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 21,38ha, với tổng vốn đầu tư 291 tỉ đồng, tổng công suất thiết kế 350 tấn/ngày đêm.
Bên trong nhà máy xử lý rác thải Liên Đầm. (Ảnh: LH).
Hiện tại, nhà máy đưa vào hoạt động lần này thuộc giai đoạn 1 của dự án với tổng mặt bằng sử dụng để xử lý rác hơn 18ha, công suất xử lý 150 tấn/ngày đêm, có mức đầu tư 142 tỷ đồng. Nhà máy xử lý rác thải Liên Đầm (huyện Di Linh) hiện đã hoàn thành 9 cụm công trình chính: Dây chuyền phân loại chất thải rắn sinh hoạt, lò đốt chất thải công nghiệp và sinh hoạt, dây chuyền sản xuất gạch không nung, hệ thống xử lý nước thải…
Lãnh đạo Hội đồng thành viên Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh thông tin, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện dây chuyền công nghệ xử lý chất thải theo nguyên lý tuần hoàn - khép kín - tăng cường tái chế. Đồng thời công ty sẽ triển khai các hạng mục của giai đoạn 2 để sớm đạt công suất thiết kế 350 tấn/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải của địa phương.
Rác thải chở về từ bãi chôn lấp rác Gung Ré (huyện Di Linh), nhà máy xử lý thành gạch không nung và đất sạch để phục vụ nông nghiệp. Đất sạch được đóng bao để bán đi nhiều nơi và có thể dùng để sản xuất phân bón hữu cơ.
Trong giai đoạn tới, tại nhà máy xử lý rác Liên Đầm sẽ có thêm hoạt động tái chế nhựa, nghiên cứu và phát triển vườn cây thực nghiệm. Trước mắt hoạt động này sẽ được Nhà máy Sài Gòn Xanh Đa Phước tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ.
Bùi Tuấn
Bình luận