Hotline: 0941068156
Thứ năm, 17/07/2025 01:07
Thứ tư, 16/07/2025 15:07
TMO - Hiện nay tình trạng bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng nhanh. Từ đầu năm 2025 đến nay, số ca mắc bệnh tăng 80,4% so với cùng kỳ 2024.
Đáng lo ngại, chủng virrus Enterovirus A71 xuất hiện trở lại. Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, 45 xã, phường (địa bàn Bình Thuận cũ) của Lâm Đồng ghi nhận 700 ca mắc tay chân miệng, tăng 80,4% so với cùng kỳ năm 2024 với 388 ca. Đáng chú ý, 2 tháng gần đây, số ca bệnh tăng vọt.
Riêng tháng 5 ghi nhận 150 ca, tháng 6 là 320 ca. Tổng số ca mắc bệnh tay chân miệng của 2 tháng (5 và 6) là 470 ca, chiếm gần 67,1% tổng số ca trong 6 tháng đầu năm. Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Thuận cũ) cho biết: Qua kết quả phân lập virus, những ca bệnh từ độ 2b trở lên và một số trường hợp mắc bệnh đầu tiên ở địa phương ghi nhận chủng mắc chủ yếu là Coxsackievirus A6.
Cần giữ sạch tay cho trẻ để phòng bệnh chân tay miệng. (Ảnh: BQN).
Bên cạnh đó, chủng Enterovirus A71 (EV71) cũng xuất hiện. Chủng EV71 từng gây nhiều ca bệnh nặng, tử vong ở trẻ nhỏ trong các đợt dịch trước. Thực tế, năm 2023, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cũ ghi nhận 3 ca trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng.
Theo Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp. Bệnh này xuất hiện quanh năm, nhưng thường tăng tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 10 hằng năm.
Theo Bộ Y tế, bệnh này lưu hành quanh năm, nhưng dễ lây lan khi trẻ quay lại trường học sau thời gian nghỉ. 98,6% ca mắc là trẻ dưới 10 tuổi, trong đó nhóm tuổi 1–5 chiếm đến 93,4% ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế và giáo dục phối hợp triển khai phòng chống bệnh tay chân miệng tại trường học, nhóm trẻ và cộng đồng.
Để phòng bệnh hiệu quả, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc “3 sạch”. Đó là ăn sạch, ở sạch và tay sạch.
Bùi Tuấn
Bình luận