Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 12/04/2025 04:04
Thứ hai, 07/04/2025 06:04
TMO - Hiện nay, tại huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu), thời tiết diễn biến phức tạp là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh gây hại trên nhiều loại cây trồng. Các cơ quan chuyên môn đang tăng cường điều tra, dự báo tình hình, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ diện tích cây nông nghiệp.
Qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng trên địa bàn huyện Than Uyên đang diễn biến khó lường, dự báo thời gian tới, các đối tượng sâu bệnh tiếp tục gây hại, khả năng lan rộng, nguy cơ làm giảm năng suất cây trồng nếu không được phòng trừ kịp thời.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, hiện nay các tổ công tác của Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích, dự báo tình hình phát triển của sâu bệnh. Đơn vị đề nghị các địa phương đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn, khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hiệu quả bằng một số loại thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu. Đối với những vùng bị nhiễm nặng, nguy cơ lan rộng cần phòng trừ lần 2. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên, vụ Đông Xuân năm nay, nông dân gieo cấy 2.043,3ha lúa, hiện trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, cuối đẻ nhánh và đứng cái; 1.705,19ha chè giai đoạn phát triển búp non, thu hái búp và 788ha cây ngô sinh trưởng từ 1 - 4 lá.
Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện liên tục có mưa, xen kẽ ngày nắng nóng là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, gây hại. Do đó, đã có 0,7ha lúa nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn lá, phân bố tại các xã: Mường Cang, Mường Than, Mường Kim, Phúc Than. Bệnh vàng lá, khô đầu lá sinh lý bị nhiễm nhẹ cục bộ 2,5ha tại các xã: Mường Cang, Mường Than, Hua Nà, Mường Kim và thị trấn Than Uyên.
Ngoài ra, còn có một số đối tượng bệnh như: tập đoàn rầy, châu chấu, dế dũi, sâu đục thân, bệnh khô vằn, thối gốc, triệu chứng bệnh lùn sọc đen gây hại nhẹ trên một số diện tích. Để phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn bà con biện pháp phòng trừ, khống chế, không để lây lan trên diện rộng.
Đối với diện tích lúa đang đẻ nhánh rộ, cuối đẻ nhánh và đứng cái, bà con phải vệ sinh đồng ruộng và quanh bờ nhằm hạn chế nơi trú ngụ của sâu, bệnh; thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm sinh vật gây hại, có biện pháp phòng trừ kịp thời. Những diện tích lúa đang nhiễm bệnh đạo ôn lá dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Bankan 600WP, Katana 20SC, Beem Hoa kỳ 880WP, Fujione 40WP, Difusan 20EC… phun kép 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày.
Với diện tích lúa bị bệnh vàng lá, khô đầu lá sinh lý, tập đoàn rầy, phun các loại thuốc: Vivadamy 3SL, Tilt super 300EC, Nevo330EC, Tiptop 250EC. Cây chè và ngô bị nhiễm bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân dùng các loại thuốc: Fittoc super 90EC, Fastish 116WG, Clever 300WG, Clever150SC, Takumin 20WG...
Nên phun theo đúng nồng độ, liều lượng trên bao bì, thời gian phun vào sáng sớm, chiều mát và thay đổi thuốc sau mỗi lần phun để hạn chế tính kháng thuốc của sâu bệnh. Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Than Uyên cho biết, dự báo thời gian tới, thời tiết tiếp tục có mưa, trời âm u, ẩm độ cao xen kẽ những ngày nắng nóng, thuận lợi cho một số sâu bệnh tiếp tục phát sinh, gây hại.
Người dân cần thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh.
Trong đó, trên cây lúa sẽ xuất hiện tập đoàn rầy, châu chấu, dế dũi, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh thối gốc, bệnh lùn sọc đen, đạo ôn lá, vàng lá, khô đầu lá gây hại. Trên cây ngô xuất hiện sâu keo mùa thu, rệp mềm, sâu đục bắp, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá gây hại và rầy xanh, rệp mềm tiếp tục gây hại trên cây chè.
Do đó, trung tâm tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động bà con thăm đồng thường xuyên, để có biện pháp phòng trừ bệnh kịp thời. Ngoài ra, đôn đốc bà con tập trung chăm sóc cây trồng theo đúng quy trình, kỹ thuật giúp cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, hạn chế sự gây hại của sâu bệnh. Qua đó, đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng theo kế hoạch.
Để chủ động phòng, chống sinh vật gây hại cho cây trồng, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công văn số 406/BVTV-TV ngày 28/2/2025 của Cục Bảo vệ thực vật (nay là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) về việc chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng.
Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến tình hình sinh vật gây hại chính trong thời kỳ xung yếu trên các cây trồng chủ lực ở địa phương để chủ động các biện pháp phòng chống kịp thời nhằm bảo vệ tốt sản xuất vụ đông xuân 2024-2025. Các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần tăng cường theo dõi và chủ động phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại chính trên lúa sạ, lúa mới cấy tại những khu vực có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh hại cao.
Giám sát chặt chẽ diễn biến phát sinh và gây hại của bệnh đạo ôn lá, nhất là trong điều kiện thời tiết thuận lợi và trên các giống nhiễm. Tiến hành phòng chống kịp thời tại những khu vực có tỷ lệ bệnh hại cao để hạn chế lây lan…/.
Anh Thư
Bình luận