Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 21/02/2025 22:02
Thứ tư, 19/02/2025 17:02
TMO - Hiện toàn tỉnh Lai Châu có khoảng 16.509 cây chè cổ thụ tự nhiên. Địa phương này triển khai các chính sách hỗ trợ để bảo tồn, phát triển những cây chè cổ thụ quý giá. Đồng thời, đây là nguồn lực phát triển kinh tế địa phương, giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển du lịch trải nghiệm.
Huyện Phong Thổ có nhiều vùng chè Shan tuyết cổ thụ như Mồ Sì San, Hoang Thèn, Sì Lở Lầu… Theo người dân tại bản Tân Séo Phìn, xã Mồ Sì San trước đây bà con đi rừng toàn hái loại chè này uống thấy ngon, thơm nên lấy về nhà uống. Giờ có thu nhập khi hái về bán cho hợp tác xã để chế biến thành trà Shan tuyết.
Nhận thấy lợi thế phát triển kinh tế từ những cây chè Shan tuyết cổ thụ, năm 2019, xã Mồ Sì San đã thành lập Hợp tác xã Biên Cương để thu mua, chế biến búp chè cổ thụ tươi bằng máy móc hiện đại thành những sản phẩm trà nổi tiếng thơm ngon và đem lại giá trị kinh tế cao. Từ đây, thương hiệu trà cổ thụ Mồ Sì San ra đời với những loại sản phẩm như Bạch trà, Hồng trà, Hoàng trà và Trà xanh.
Hiện xã Mồ Sì San có 1.700 gốc chè Shan tuyết cổ thụ. Để có chất lượng trà như hiện nay, địa phương đã hướng dẫn bà con thu hái đúng kỹ thuật. Mỗi năm, sản lượng chè Shan tuyết cổ thụ của xã Mồ Sì San đạt khoảng 1,5 tấn khô. Hiện, giá bán các loại trà từ 2-3 triệu đồng/kg. Doanh thu từ các sản phẩm chè đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống cho nhiều hộ đồng bào trong xã.
Hiện toàn tỉnh Lai Châu có khoảng 16.509 cây chè cổ thụ tự nhiên.
Mỗi năm, sản lượng chè Shan tuyết của huyện Phong Thổ mới chỉ đạt 2-3 tấn khô. Sản lượng này vẫn là quá ít so với tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng khi có nhiều vùng chè cổ thụ mọc tự nhiên ở các xã vùng cao. Với mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng chè cổ thụ hiện có gắn với hợp tác, liên kết trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa “Chè cổ thụ Phong Thổ”. Đến nay, huyện đã quy hoạch và bảo tồn vùng chè cổ thụ tại các xã: Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Dào San, Tung Qua Lìn, Sin Suối Hồ và Hoang Thèn với số lượng khoảng 8.000 gốc.
Hiện nay, huyện Phong Thổ đã phát triển được thương hiệu chè cổ thụ gồm: bạch trà, hồng trà, hoàng trà và trà xanh. Trong đó có 3 sản phẩm trà cổ thụ gồm: Hồng trà Shan Mồ Sì San, Hoàng trà Shan Mồ Sì San và Trà xanh Shan Mồ Sì San được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao... Để bảo tồn và phát triển chè cổ thụ, thời gian tới huyện Phong Thổ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tại địa phương có vùng chè cổ thụ bảo vệ và thu hái chè theo quy trình kỹ thuật; tham gia trồng mới trên diện tích đất trống, trồng bổ sung cây chè vào diện tích rừng có độ tán che thấp.
Tập trung hỗ trợ giống, phân bón lót, hỗ trợ công xử lý thực bì, làm đất, vận chuyển, trồng theo chính sách tại Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của UBND tỉnh. Lựa chọn giống chè theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cấp phát hỗ trợ cho nhân dân tham gia trồng chè. Đồng thời hướng dẫn chỉ đạo nhân dân trồng và chăm sóc chè
Tại huyện Tam Đường, vùng chè cổ thụ tại bản Tả Lèng Lao Chải, xã Tả Lèng, thân cây chè to lớn đến vài người ôm, rêu mốc, xù xì, cành lá sum suê, trải dài theo những ngọn núi. Theo thống kê hiện xã Tả Lèng có 2.328 cây chè cổ thụ có tuổi đời từ hàng chục đến trăm năm nằm ở các bản Hồ Pên, Pho Lao Chải, Lùng Than và Tả Lèng - Lao Chải. Để bảo tồn và phát huy giá trị của các diện tích chè Cổ thụ trên địa bàn, xã Tả Lèng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức giao cho các bản có diện tích chè cổ quản lý, bảo vệ chăm sóc, không chặt phá. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án phát triển diện tích chè Cổ thụ của tỉnh, Tả Lèng cũng đã tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc 8,6 ha diện tích Chè Shan trồng mới tại các địa điểm có độ cao từ 1.800m trở lên.
Các địa phương đã khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này trong phát triển kinh tế.
Vùng chè cổ Sà Dề Phìn (huyện Sìn Hồ) có hơn 1.000 gốc cây chè cổ thụ, có cây chè cao từ 5 - 6m, thân chè được bao phủ bởi những lớp rêu mốc ngả màu thời gian. Mỗi năm, vùng chè cổ Sà Dề Phìn thu hút hàng nghìn lượt khách về tham quan cũng như tìm hiểu nét văn hóa của người dân bản địa. Thực hiện Đề án Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao của tỉnh, huyện Sìn Hồ đã và đang phát triển vùng chè tập trung ở các xã vùng cao và vùng chè cổ trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện trồng mới gần 500ha, trong đó diện tích chè cổ thụ chủ yếu ở xã Sà Dề Phìn và một số xã: Hồng Thu, Phìn Hồ, Tả Ngảo...
UBND xã Sà Dề Phìn cho biết: Từ khi có Đề án Phát triển vùng chè chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu, xã đã triển khai cho bà con chăm sóc tất cả các cây chè cổ trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sìn Hồ hướng dẫn bà con chăm sóc và phát triển vùng chè cổ. Mỗi cân búp chè sẽ được Công ty Cổ phần Chè Tam Đường thu mua với giá 100 ngàn đồng.
Để địa phương phát triển thành điểm du lịch thu hút nhiều nhà đầu tư và du khách, phát huy được thế mạnh, UBND huyện ban hành các quyết định phê duyệt quy hoạch, đề án xây dựng xã Sà Dề Phìn trở thành địa điểm du lịch cộng đồng, nhờ đó hệ thống cơ sở hạ tầng của xã đã được cải thiện rất nhiều.../.
Trần Tuấn
Bình luận