Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ năm, 07/09/2023 19:09
TMO - Dự thảo sửa đổi Luật Địa chất và Khoáng sản được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Theo đó, trên cơ sở thực tiễn và cơ sở chính trị, Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng với mục đích nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản. Tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục các bất cập nhằm quản lý thống nhất lĩnh vực địa chất, khoáng sản; quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Khoáng sản; rà soát quy định của các Nghị định hướng dẫn Luật (quản lý cát, sỏi lòng sông; khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...) có tính ổn định để “Luật hoá”. Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là các Luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản; các điều ước và cam kết quốc tế mà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Phân loại than tại tuyển than Cửa Ông (Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Dự thảo Luật được xây dựng bám sát các quan điểm thể chế hoá đầy đủ quan điểm của Nghị quyết 10. Theo đó, tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được điều tra, đánh giá và lập quy hoạch, kế hoạch thăm dò đầy đủ, quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.
Các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với các pháp luật liên quan; rõ ràng, dễ hiểu và mang tính khả thi cao, thúc đẩy đầu tư, xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản, gắn với yêu cầu phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, hiệu quả; kế thừa các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để chủ động trong việc phát triển kinh tế xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Dự thảo Luật Địa chất – Khoáng sản có bố cục gồm 13 Chương (Chương I - Quy định chung; Chương II - Bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; Chương III - Chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản; Chương IV- Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; Chương V- Khu vực khoáng sản và quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; Chương VI- Bảo vệ môi trường, sử dụng đất, nước, khu vực biển hạ tầng kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản; Chương VII- Thăm dò khoáng sản; Chương VIII - Khai thác khoáng sản, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy mô nhỏ và khai thác tận thu khoáng sản; Chương IX- Quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và vùng biển; Chương X- Tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Chương XI - Trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản; Chương XII - Hội nhập và Hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản và Chương XIII- Điều khoản thi hành.
HẢI YẾN
Bình luận