Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 11:11
Thứ năm, 31/08/2023 19:08
TMO – Năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã xác định Công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ ở nước ta. Trong 20 năm đầu, công nghiệp hóa diễn ra trong điều kiện có chiến tranh. Những năm sau, công nghiệp hóa diễn ra trong điều kiện khủng hoảng kinh tế - xã hội, vừa tìm tòi đổi mới nền kinh tế.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã tích cực thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bước đầu tạo môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh, phát triển, khơi thông các nguồn lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ cấu kinh tế đã bước đầu chuyển dịch theo hướng hiện đại. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp đã có bước thay đổi theo hướng hiện đại. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong giá trị sản xuất công nghiệp tăng, tỷ trọng công nghiệp khai thác giảm dần.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có tiến bộ. Cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, sinh học hóa được chú trọng gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Ngành công nghiệp và xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng khá liên tục trong nhiều năm; tốc độ triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ được cải thiện, nhiều dây chuyền công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, quy trình quản lý công nghiệp hiện đại được áp dụng. Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá cao, thị trường được mở rộng. Một số ngành dịch vụ mới, chủ lực có giá trị gia tăng cao như khoa học - công nghệ, thiết kế công nghiệp, nghiên cứu thị trường, tài chính, ngân hàng, viễn thông. .. đã hình thành và từng bước phát triển. Việc phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao có tiến bộ, tạo những tiền đề để bước đầu chuyển sang xây dựng kinh tế tri thức.
Công nghiệp hóa (CNH) là vấn đề có tính quy luật của quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Ở nước ta, đường lối CNH được hình thành khá sớm, ngay từ Đại hội III của Đảng (năm 1960). Kể từ đó, CNH luôn được xác định là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tới Đại hội VII, yêu cầu gắn CNH với hiện đại hóa (HĐH) bắt đầu được Đảng ta đề cập. Theo đó, nhận thức mới về mục tiêu, nội dung, phạm vi, lộ trình, chủ thể CNH gắn với HĐH được hình thành. Trong những giai đoạn tiếp theo, đường lối CNH, HĐH tiếp tục được Đảng ta bổ sung, hoàn thiện, phát triển phù hợp tình hình, đặc điểm kinh tế - xã hội của đất nước và bối cảnh thế giới. Từ Đại hội XI của Đảng (năm 2011) đến nay, quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của nước ta là 6,0%/năm, cao hơn mức trung bình của các nước đang phát triển. Quy mô GDP năm 2020 tăng 1,4 lần so với năm 2015, đạt khoảng 271,2 tỷ USD (theo đánh giá lại, đạt khoảng 343,2 tỷ USD), thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD, gấp 1,3 lần năm 2015. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP bình quân cả giai đoạn 2011 - 2020 đạt 39,0%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm. Hiệu quả đầu tư được nâng lên; hệ số ICOR giảm từ gần 6,3 giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 6,1 giai đoạn 2016 - 2019.
Cơ cấu các ngành kinh tế đã chuyển dịch tích cực theo hướng CNH, HĐH. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP giảm từ mức 18,9% năm 2010 xuống còn 14,8% năm 2020; tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (bao gồm cả thuế sản phẩm trợ cấp) tăng từ 81,1% năm 2010 lên 85,2% năm 2020, vượt mục tiêu đề ra. Các thành phần kinh tế có đóng góp tích cực vào quá trình CNH, HĐH đất nước. Cơ cấu kinh tế vùng có sự chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế so sánh của từng vùng, tăng cường liên kết, kết nối vùng. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng lao động xã hội giảm từ 48,6% năm 2010 xuống còn 34% năm 2020. Tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 21,7% lên 30,3%, ngành dịch vụ từ 29,7% lên khoảng 35,7% cùng giai đoạn.
Quy mô sản xuất của ngành công nghiệp liên tục mở rộng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp tăng từ 7,4% năm 2016 lên 9,1% năm 2019; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng từ vị trí 58 vào năm 2009 lên thứ 42 vào năm 2019. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng, vật liệu xây dựng; cơ khí, chế biến, chế tạo ô tô, xe máy; dệt, may, da giày... Một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn đã phát triển lớn mạnh, đóng góp lớn cả về sản xuất, đầu tư, xuất khẩu, giải quyết việc làm, như dệt may, da giày, thực phẩm chế biến, thép, hóa chất, nhựa. Một số ngành công nghiệp nền tảng, như cơ khí chế tạo; luyện kim; hóa chất; vật liệu; công nghiệp năng lượng từng bước đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2011 - 2020 đạt trung bình 3%/năm. Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại gắn với thị trường. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản được đẩy mạnh; cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp được áp dụng rộng rãi, tạo nhiều thay đổi về phương thức canh tác, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh. Trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao theo hướng áp dụng công nghệ mới. Đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng. Tăng trưởng bình quân của khu vực dịch vụ giai đoạn 2011 - 2020 là 6,4%/năm. Một số ngành có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, như thông tin, bưu chính, viễn thông, du lịch, hàng không,... phát triển với tốc độ nhanh. Thương mại điện tử phát triển mạnh. Một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ hiện đại, có chất lượng cao, như y tế, bảo hiểm,... Kinh tế số được chú trọng phát triển trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, xã hội số.
Năm 2022, kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%, trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%.
Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,21%; 38,00%; 41,85%; 8,94%). Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022; tích lũy tài sản tăng 1,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II và 6 tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 4.270,5 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2023 đạt 2.370,4 nghìn tấn, tăng 1,6%). Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tuy đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 ước tính đạt 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CN 4.0) ngày nay đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quá trình CNH, HĐH, đòi hỏi nhận thức về CNH, HĐH cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển. Nội dung cốt lõi của CN 4.0 là sự phát triển của khoa học và công nghệ, các hệ thống thông minh chiếm vai trò chủ đạo, giao tiếp giữa các nền tảng thông minh, sự “cộng sinh” giữa trí tuệ sáng tạo của con người và những sản phẩm trí tuệ nhân tạo trên phạm vi rộng lớn, có tính phổ quát, tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trong xã hội. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động toàn diện, sâu sắc đến CNH, HĐH ở nước ta trên 3 yếu tố. 1- Thế giới được số hóa, kết nối số mọi lúc, mọi nơi, kết hợp thế giới thực với thế giới ảo. Do đó, CNH, HĐH sẽ diễn ra cả trong môi trường thực và môi trường số; 2- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có quy mô và tốc độ phát triển chưa có tiền lệ, làm thay đổi lực lượng sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi CNH, HĐH sang giai đoạn mới: thâm dụng tri thức và đột phá đổi mới sáng tạo; mở ra nhiều cơ hội “bắt kịp”, “đi cùng” và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới; 3- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có phạm vi tác động bao trùm, toàn diện, hình thành các quan hệ sản xuất mới, các hình thức kinh tế mới, tạo sự chuyển dịch các dòng vốn, công nghệ, lao động; thúc đẩy xã hội hóa, quốc tế hóa cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đòi hỏi CNH, HĐH của mỗi nước phải đặt trong chuỗi sản xuất - kinh doanh toàn cầu.
Mục tiêu đến năm 2030
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Một trong những mục tiêu cụ thể là phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021 – 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế; Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
LÊ HÙNG – BẢO HÂN
Bình luận