Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 01/11/2024 09:11
Thứ sáu, 25/10/2024 13:10
TMO - Kon Tum là một trong số những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi trong trồng và phát triển cây dược liệu. Đây cũng là hướng đi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Xơ Đăng trên địa bàn tỉnh.
Với điều kiện khí hậu, sinh thái, thổ nhưỡng rất thuận lợi để trồng, phát triển dược liệu quý có giá trị kinh tế cao, tỉnh Kon Tum phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia, trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025.
Nhằm mục tiêu khai thác những lợi thế được thiên nhiên ban tặng, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 16 Đảng bộ tỉnh Kon Tum và Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 19/5/2022 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tỉnh ủy Kon Tum xác định mục tiêu "Đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025. Nâng tầm vị thế thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế".
Đồng thời tập trung đầu tư phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh. Tăng cường đầu tư đồng bộ từ khâu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý giống, nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Với chủ trương phát triển, chế biến dược liệu mà tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện đang là chìa khóa mở ra cơ hội thoát nghèo cho người Xơ Đăng.
Với chính sách của tỉnh, bà con dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao, gồm huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông có điều kiện để trồng nhiều loại cây dược liệu, bước đầu tăng thu nhập, cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây sâm dây, sơn trà, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh…người Xơ Đăng đã thay đổi thói quen khai thác từ tự nhiên, biết bảo tồn nguồn giống để nhân rộng diện tích của gia đình. Đồng thời mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển diện tích cây dược liệu.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, cho biết, trước đó giống tại địa phương cũng cạn kiệt, sau thì bà con cứ nhân rộng ra mỗi năm một ít bà con học hỏi nhau để trồng sâm. Hộ thiếu vốn sản xuất phát triển cây dược liệu có vốn giải quyết việc làm của ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho bà con mỗi hộ gia đình vay 100 triệu đồng để phát triển cây dược liệu
Để hỗ trợ người Xơ Đăng trồng cây dược liệu, trong những năm qua chính quyền huyện Đăk Glei, Kon Plông và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum đã xây dựng, hình thành được mạng lưới vườn ươm, chính sách hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp có uy tín hoạt động sản xuất, kinh doanh dược liệu cũng chung tay hỗ trợ người dân.
Người dân tỉnh Kon Tum bỏ trồng sắn sang trồng cây đương quy. (Ảnh minh hoạ: SN).
Lãnh đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông, cho biết với phương châm cán bộ kỹ thuật đồng hành cùng hộ nghèo trồng cây dược liệu, đã có sự thay đổi đáng kể trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con. Trong quá trình các hộ nghèo trồng sâm bà con chưa hiểu nhiều về làm đất, làm mùn, làm mái che để chống chim, chuột. Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật đi hướng dẫn bà con trồng sâm, bà con tiếp thu rất là tốt và vận dụng rất là tốt vào trồng sâm.
Tự tin với kết quả đạt được, đến nay chỉ riêng huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được hơn 3.900 héc-ta cây dược liệu. Trong đó diện tích cây Sâm Ngọc Linh của người dân và doanh nghiệp hơn 2.400 héc-ta. Từ chỗ hộ nghèo trong huyện không dám vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất thì nay chỉ riêng việc trồng cây Sâm Ngọc Linh đã có 205 hộ dân vay ngân hàng với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết, chính quyền huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình để hộ nghèo cũng trồng được cây dược liệu phát triển kinh tế gia đình, huyện đã xây dựng chương trình hỗ trợ người dân về sinh kế cũng như xây dựng các chuỗi liên kết để hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu.
Riêng đối với cây Sâm Ngọc Linh thì huyện tiếp tục làm việc với Ngân hàng Chính sách để hỗ trợ người dân vay từ các nguồn khác nhau để phát triển cây sâm Ngọc Linh, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tổ chức liên kết, hỗ trợ cho người dân để phát triển riêng vùng sâm của mình làm cơ sở thoát nghèo bền vững.
Hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu mang lại đang mở ra cơ hội thoát nghèo cho người Xơ Đăng. Đến nay tổng diện tích cây dược liệu của tỉnh Kon Tum mà tập trung chủ yếu ở 3 huyện vùng cao, gồm: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông đã được mở rộng tới hơn 11.200 héc-ta, trong đó riêng cây Sâm Ngọc Linh hơn 2.400 héc-ta.
Người dân Kon Tum rải mùn để ươm hạt giống sâm Ngọc Linh trong rừng già. (Ảnh: SN).
Tại những huyện này, nơi có đông người Xơ Đăng sinh sống, cùng với lúa, sắn, cà phê…, việc trồng cây dược liệu đang giúp người dân tăng thu nhập, cuộc sống ngày càng no ấm hơn. Trong nhiều năm qua huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông có tỷ lệ giảm nghèo luôn cao hơn bình quân của tỉnh Kon Tum.
Cơ hội thoát nghèo, làm giàu từ cây dược liệu đang tiếp tục mở ra với người Xơ Đăng khi mà tỉnh Kon Tum quyết tâm đẩy mạnh đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu để sớm đạt mục tiêu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.
Tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025, hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, phấn đấu diện tích sâm Ngọc Linh đạt 4.500 ha (khoảng 45 triệu cây); diện tích trồng cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha; Mỗi huyện, thành phố hình thành ít nhất 1 cơ sở sản xuất, cung ứng giống dược liệu có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu trồng dược liệu trên địa bàn; 100% cây giống dược liệu được kiểm soát về nguồn giống; Khai thác khoảng 5.000 tấn dược liệu các loại, trong đó khai thác từ tự nhiên 700 tấn (Cu ly, Máu chó, Cốt toái bổ, Mật nhân, Chè dây...); khai thác từ dược liệu trồng khoảng 4.300 tấn (Hồng Đẳng sâm, Đương quy, Nghệ vàng, sâm Ngọc Linh, Sa nhân, Ngũ vị tử, Giảo cổ lam...).
Trong giai đoạn tiếp theo, đến năm 2030, Kon Tum phấn đấu diện tích vùng trồng dược liệu tập trung đạt khoảng 25.000 ha trong đó diện tích rừng tự nhiên có trồng sâm Ngọc Linh khoảng 10.000 ha (100 triệu cây); Sản lượng các loại dược liệu đạt trên 130.000 tấn. Hình thành mới 5 cơ sở sản xuất giống thương phẩm đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế cao, bảo đảm nguồn gốc, chất lượng, phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu để đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích dược liệu…/.
Kim Ngọc
Bình luận