Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 23/05/2025 10:05
Thứ năm, 22/05/2025 06:05
TMO - Với những thuận lợi mà ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) mang lại, tỉnh Kiên Giang đã và đang mở rộng diện tích cây trồng theo hướng này, góp phần giảm chi phí sản xuất, hạn chế hóa chất độc hại và nâng cao chất lượng cây trồng cũng như sản phẩm nông sản.
Biến đổi khí hậu hiện nay đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ngày càng trầm trọng, cùng với đó là yêu cầu về an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe thì việc xây dựng và tổ chức triển khai Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) là hết sức cần thiết, có ý nghĩa lớn trong phát triển bền vững nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Do đó, nhiều mô hình áp dụng IPHM đã được triển khai trên địa bàn cho thấy hiệu quả vượt trội. Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (BTVT) Kiên Giang cho biết, tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2024-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, với tổng kinh phí gần 77,8 tỷ đồng. Theo đó, trong giai đoạn 2024-2025, Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Kiên Giang tập trung đào tạo giảng viên, hướng dẫn viên IPHM.
Có 10 giảng viên IPHM quốc gia cho tỉnh và 30 giảng viên IPHM cấp tỉnh do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức đào tạo. Tại địa phương, đảm bảo mỗi xã có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt. Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 100.000 ha ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực, gồm lúa, rau màu và cây ăn trái. Kiên Giang đặt mục tiêu có ít nhất 5 nông dân nòng cốt có đủ kiến thức ứng dụng hiệu quả IPHM và có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM.
Trên cơ sở đó, đến năm 2030, toàn tỉnh có 90% diện tích cây lúa, khóm, chuối, hồ tiêu… ứng dụng IPHM, qua đó giảm 30% lượng thuốc BVTV hoá học và giảm 30% lượng phân bón hóa học. Trên 90% đơn vị hành chính cấp xã có diện tích sản xuất nông nghiệp tập trung thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định.
Cùng với đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Kiên Giang cũng đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về IPHM. Lồng ghép tuyên truyền, phổ biến IPHM trong thực hiện các gói giải pháp kỹ thuật "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", canh tác lúa bền vững (SRP), sản xuất an toàn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng mô hình ứng dụng IPHM làm cơ sở để nhân rộng ứng dụng IPHM trong thực tế sản xuất và gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Tăng cường mở rộng ứng dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn. Lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Kiên Giang thông tin, để ứng dụng IPHM đạt hiệu quả, cần nghiên cứu, đưa vào sản xuất các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, để chủ động phòng chống sinh vật gây hại, bảo vệ sản xuất.
Áp dụng IPHM trên cây trồng đem lại chất lượng sản phẩm cao, đảm bảo sức khoẻ người dùng. (Ảnh minh hoạ: BVL).
Đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tác nhân sinh học phòng chống sinh vật gây hại, phân bón vi sinh. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, điều tra phát hiện, dự tính dự báo, cảnh báo sớm, phòng chống sinh vật gây hại trên cây trồng.
Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ để bảo vệ sức khỏe đất, nguồn nước, giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kết quả và kinh nghiệm ứng dụng IPHM tới cộng đồng, thông qua việc tổ chức hội nghị đầu bờ, các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong nội dung sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, diễn đàn nông dân. Nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân” thông qua thực nghiệm ứng dụng IPHM thực tế trên đồng ruộng.
Theo chia sẻ của một số người dân trồng lúa tại tỉnh Kiên Giang, mô hình áp dụng IPHM hướng đến canh tác chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp như: sử dụng giống tốt, giảm mật độ gieo sạ, các biện pháp canh tác, bón phân theo nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa và tăng cường sử dụng phân hữu cơ, quản lý dịch hại theo IPM,...
Kết quả đánh giá, ruộng mô hình tiết kiệm được chi phí giống, phân bón nên tổng chi phí sản xuất thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình. Do chi phí đầu tư thấp hơn nên ruộng trong mô hình đạt lợi nhuận cao hơn gần 2,73 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.
Hay mô hình áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây cam sành tại Kiên Giang cũng mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo đó, tham gia mô hình, nông dân được ngành chuyên môn hướng dẫn nâng độ pH đất, tăng cường bón phân hữu cơ, nấm vi sinh có lợi để cải tạo đất nhằm giúp bộ rễ phát triển tốt. Nông dân giảm được chi phí nhờ giảm lần phun thuốc trừ sâu, giảm phun xử lý ra hoa, giảm sử dụng phân hóa học, tăng sử dụng phân hữu cơ.
Kiên Giang đặt mục tiêu năm 2025 đạt khoảng 100.000 ha ứng dụng IPHM trên cây trồng chủ lực của tỉnh. Theo ngành chức năng, áp dụng IPHM không chỉ giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị nông sản mà còn tạo ra môi trường an toàn cho nông dân.
Với những kết quả mang lại từ IPHM, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng biện pháp canh tác IPHM, từ đó, xây dựng mô hình sản xuất bền vững theo hướng an toàn, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Hương Trà
Bình luận