Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 01/02/2025 21:02
Thứ bảy, 01/02/2025 06:02
TMO - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn các lưu vực sông khẩn trương thống kê và phân loại các nguồn thải trên địa bàn có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông, lập danh mục (theo loại hình và quy mô xả thải) để kiểm soát chặt chẽ, gửi danh mục nguồn thải về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông, thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tiến tới giảm thiểu và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nước tại một số điểm nóng trên các lưu vực sông, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Chỉ thị số 2/CT-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn các lưu vực sông khẩn trương thống kê và phân loại các nguồn thải trên địa bàn có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông, lập danh mục (theo loại hình và quy mô xả thải) để kiểm soát chặt chẽ, gửi danh mục nguồn thải về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trước ngày 31/12/2025.
Tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gửi báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/6/2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu đến ngày 31 tháng 12 năm 2025, 92% các khu công nghiệp, 60% cụm công nghiệp trên địa bàn có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% các làng nghề có phát sinh nước thải sản xuất có phương án thu gom và xử lý nước thải tập trung, 50% nước thải từ các làng nghề được thu gom và xử lý; 30% nước thải sinh hoạt (NTSH) đô thị được thu gom và xử lý; 40% NTSH nông thôn được xử lý bằng các biện pháp tập trung hoặc phân tán phù hợp.
Đáng chú ý sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở do Bộ cấp phép môi trường và xử lý vi phạm theo quy định; tổng hợp kết quả công tác thanh tra, kiểm tra trên các lưu vực sông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2025.
Các địa phương thực hiện các giải pháp xử lý triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm lưu vực sông.
Đối với lưu vực sông Cầu: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, UBND TP.Hà Nội khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các giải pháp xử lý triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm lưu vực sông, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê, hoàn thiện hệ thống thu gom để vận hành nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, hoàn thành trước ngày 31/12/2025; Vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp Phú Lâm trước ngày 31/3/2025; đấu nối, thu gom, xử lý nước thải của cụm công nghiệp Phong Khê 1 và 2, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Đối với lưu vực sông Nhuệ- Đáy: UBND TP.Hà Nội tập trung xây dựng và triển khai các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt; cải tạo phục hồi môi trường nước, nạo vét, khơi thông dòng chảy các đoạn sông nội đô (Tô Lịch, Nhuệ, Lừ, Sét, Kim Ngưu) đang bị ô nhiễm nặng; điều chỉnh quy trình vận hành cống Thanh Liệt và trạm bơm Yên Sở; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Liên Mạc, hoàn thành trước ngày 31/12/2025; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm, đưa vào vận hành chính thức trước ngày 30/6/2025;
Đối với lưu vực sông Đồng Nai: UBND TP.HCM xây dựng và vận hành các dự án thoát nước, xử lý nước thải và các dự án cải tạo phục hồi môi trường nước, khơi thông dòng chảy tại các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, đặc biệt là điểm nóng ô nhiễm trên sông Sài Gòn (đoạn từ cửa sông Thị Tính về phía hạ lưu), hoàn thành trước ngày 31/12/2025; phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại tuyến giáp ranh trên kênh Ba Bò, khu vực tuyến Suối Cái, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải: các Bộ, UBND 4 tỉnh, thành phố trên hệ thống thủy nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
UBND TP.Hà Nội đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các cụm dân cư phân tán khu vực nông thôn, đặc biệt từ khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm thải vào khu vực sông cầu Bây; triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp sông cầu Bây, hoàn thành trong năm 2025; Đầu tư xây dựng 3 nhà máy xử lý nước thải trên quận Long Biên nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm sông cầu Bây, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị Việt Hưng, Long Biên…
Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương trên các lưu vực sông rà soát hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tại toàn bộ các đô thị từ loại V trở lên, đề xuất phương án, giải pháp thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, rà soát đơn giá, định mức, đề xuất cơ chế tài chính đối với dịch vụ thu gom, xử lý nước thải nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2025.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đánh giá mức độ tác động từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường nước tại các lưu vực sông trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ lần thứ nhất trước ngày 30/6/2025 và cập nhật thông tin hàng năm; đề xuất giải pháp tuần hoàn, sử dụng hợp lý tài nguyên nước (bao gồm cả các loại nước thải) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Chỉ đạo hoàn thiện và thực hiện quy chế tiếp nhận thông tin để vận hành quy trình điều tiết, bổ cập nước (thông qua hệ thống các trạm bơm, trạm bơm dã chiến) cho các dòng chảy (đặc biệt vào mùa khô) thuộc các lưu vực sông; chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong đó, bổ sung yêu cầu đối với việc duy trì dòng chảy tối thiểu liên tục trong hệ thống, hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Bộ Công an tổ chức các hoạt động điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với việc xả nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm nguồn nước các lưu vực sông trên; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý nghiêm và công khai một số trường hợp điển hình cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng răn đe trong cộng đồng doanh nghiệp; xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Việt Nam có 697 sông, suối, kênh, rạch và 38 hồ là nguồn nước liên tỉnh, thuộc 16 lưu vực sông chính và 3.045 sông, suối thuộc các lưu vực sông nội tỉnh. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020, với sự nỗ lực quản lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nước trên các lưu vực sông lớn như: sông Hồng-Thái Bình, sông Mã, sông Vu Gia-Thu Bồn) sông Mê Công duy trì ở mức tốt và nhiều sông, đoạn sông nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khu vực chất lượng nước ở mức kém.
Các điểm nóng về môi trường nước trên lưu vực sông vẫn chưa được cải thiện rõ rệt, điển hình như ô nhiễm trên các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét) thuộc lưu vực sông Nhuệ; sông Ngũ Huyện Khuê, cầu Bóng Tối thuộc lưu vực sông Cầu; kênh Tân Hóa-Lò Gốm, kênh Tàu Hũ-Bến Nghé, kênh Tham Lương-Bến Cát-Vàm Thuật… thuộc lưu vực sông Đồng Nai.
Ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng, phần lớn các điểm quan trắc chưa ghi nhận ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật. Vấn đề ô nhiễm dầu mỡ, kim loại nặng chỉ xảy ra cục bộ tại các khu vực chịu ảnh hưởng bởi hoạt động giao thông thủy hoặc sản xuất công nghiệp khai thác khoáng sản.
Nguyên nhân ô nhiễm được xác định là do phải tiếp nhận một lượng quá lớn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, làng nghề… chưa được xử lý, xả trực tiếp từ các địa phương trong khu vực vào hệ thống. Ngoài ra, hệ thống phải tiếp nhận nguồn nước từ các sông khác trong khu vực hiện đang rất ô nhiễm chảy vào như: sông Cầu Bây thuộc Hà Nội; các nhánh sông Bần-Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên… dẫn đến ô nhiễm môi trường nước ngày thêm trầm trọng.
Thu Trang
Bình luận