Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ ba, 24/10/2023 13:10
TMO - Các ngành chức năng tại nhiều địa phương đang khẩn trương áp dụng nhiều biện pháp để khống chế và dập tắt dịch tả lợn châu Phi bùng phát và nguy cơ cao lây lan rộng.
Sau một thời gian không xuất hiện các ổ dịch, hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Tại huyện Lâm Bình đã ghi nhận 45 hộ chăn nuôi, thuộc 3 xã gồm: Khuôn Hà, Thượng Lâm, Lăng Can có lợn nhiễm bệnh. Số lợn phải tiêu huỷ là 121 con. 3 xã đều chưa công bố hết dịch do diễn biến phức tạp, nguy cơ phát sinh lan rộng vẫn rất cao. Theo phản ánh từ các địa phương, đàn lợn bị nhiễm bệnh tập trung ở hầu hết những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô 5-10 con, hoặc 20-40 con với hệ thống chuồng trại tạm bợ, không đảm bảo các yêu cầu về chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Bản thân chủ hộ chăn nuôi cũng chưa có kiến thức trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Ngành chăn nuôi, thú y, thủy sản khuyến cáo: Người chăn nuôi ở các địa phương vùng đã xuất hiện ổ dịch, phun thuốc tiêu độc, khử trùng 1 lần/ngày tại vùng dịch, 1 lần/tuần tại các xã bị uy hiếp; thực hiện vệ sinh, khử trùng chuồng trại chăn nuôi thường xuyên. Riêng các hộ có lợn bị nhiễm bệnh không vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch để hạn chế dịch bệnh lây lan trên diện rộng; dịch chưa qua 21 ngày tuyệt đối không được tái đàn. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường nhân lực hỗ trợ các địa phương theo dõi sát diễn biến dịch, có biện pháp xử lý, khoanh vùng các ổ dịch, tránh tình trạng dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra.
Các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thường xuyên sát trùng, tiêu độc và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: XC.
Tại tỉnh Ninh Bình, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh tái phát và lây lan mạnh từ trung tuần tháng 04/2023, sau thời gian tập trung quyết liệt các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch bệnh, đến cuối tháng 8 và trung tuần tháng 9/2023, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, dịch bệnh có xu hướng tái bùng phát, lây lan nhanh trở lại, tính đến ngày 19/10/2023, toàn tỉnh có 23 xã/6 huyện, thành phố có ổ dịch chưa qua 21 ngày là: Nho Quan (7 xã), Gia Viễn (8 xã), TP. Tam Điệp (2 xã), Yên Mô (4 xã), Kim Sơn (1 xã) và Yên Khánh (1 xã).
Để khẩn trương kiểm soát, khống chế, ngăn chặn các ổ dịch tái phát, lây lan, kéo dài, tạo điều kiện, môi trường ổn định để duy trì sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm thịt lợn cho nhu cầu những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cấp huyện và Chủ tịch UBND các xã tập trung quyết liệt, xử lý triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh để cắt đứt nguồn lây bệnh, hạn chế tình trạng dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Chỉ đạo UBND cấp xã quản lý chặt chẽ công tác tái đàn, tăng đàn lợn, nhất là tại địa bàn các xã đang có ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, các địa phương mới công bố hết dịch nhưng vẫn còn nguy cơ cao.
Kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ, buôn bán thịt lợn và sản phẩm thịt lợn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ, điểm, khống chế bệnh. Tiếp tục chủ động bố trí ngân sách địa phương để mua vôi bột, hóa chất phát động, triển khai thực hiện đồng bộ công tác tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường khu vực chăn nuôi, khu vực ổ dịch, vùng dịch, vùng dịch uy hiếp theo tần suất quy định để tiêu diệt mầm bệnh. Chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng đồng loạt cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu Đông trên địa bàn các xã.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, tả lợn châu Phi hiện đang diễn biến phức tạp và lan rộng trên nhiều huyện của tỉnh như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳ Hợp… Việc dịch tả lợn Châu Phi lan rộng đã khiến nhiều hộ gia đình chăn nuôi thiệt hại lớn. Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang cùng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trên diện rộng.
Đến thời điểm ngày 20/10, dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện ở 11 xã, thị trấn với hơn 500 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Các xã được phát hiện có dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Yên Thành gồm: Hùng Thành, Hậu Thành, Văn Thành, Hoa Thành, Phúc Thành, Tây Thành, Đô Thành, Bắc Thành, Phú Thành, Tiến Thành và Tăng Thành. Ngoài huyện Yên Thành, dịch tả lợn Châu Phi cũng được phát hiện lây lan diện rộng tại huyện Diễn Châu, Quỳ Hợp. Theo đó, tại huyện Diễn Châu đã có 78 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn 8 xã bị nhiễm bệnh. Số lợn phải tiêu huỷ 116 con với tổng trọng lượng hơn 8,6 tấn. Tại huyện Quỳ Hợp, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng bùng phát từ cuối tháng 9 đến nay tại xã Đồng Hợp.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An khuyến cáo, hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa mưa bão, sắp tới có thể có các đợt rét đậm, rét hại bất thường làm giảm sức đề kháng, sức khỏe của đàn vật nuôi. Từ đó, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh, nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao.
Sau khi tiêu hủy đàn lợn nhiễm bệnh, tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại các khu chăn nuôi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 10 năm qua, ngành chăn nuôi tăng trưởng khoảng 4,5%/năm, chiếm 26,7% tổng giá trị của ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành chăn nuôi lợn chiếm tỉ lệ 67-70% cơ cấu giá trị ngành chăn nuôi. Đàn lợn của Việt Nam có quy mô khoảng 28 triệu con. Ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng đóng vai trò là trụ cột quan trọng trong việc thực hiện tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, theo thống kê chưa đầy đủ cả nước thiệt hại khoảng 6 triệu con lợn. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh là yếu tố quan trọng, là giải pháp hàng đầu để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn.
Với sự hợp tác của các nhà khoa học Mỹ, sự chỉ đạo của Cục Thú y trên cơ sở lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã sản xuất thảnh công sản phẩm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi. Hiện đã có 2 sản phẩm vaccine dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp Giấy chứng nhận lưu hành. Đây là những vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thương mại đầu tiên trên thế giới được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vaccine thương mại trong phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi được cấp phép trên thế giới.
Việt Nam đã sản xuất thành công sản phẩm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi và chính thức xuất khẩu sang 5 quốc gia. Vaccine AVAC ASF LIVE là giải pháp hiệu quả giúp bảo vệ đàn lợn, đặc biệt cần thiết cho chăn nuôi nông hộ và quy mô vừa, nhỏ, mô hình rất phổ biến ở Việt Nam, Philippine, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và Myanmar.
Lê Thuận
Bình luận