Hotline: 0941068156
Thứ hai, 07/04/2025 15:04
Chủ nhật, 06/04/2025 05:04
TMO - Hiện nay đang là thời điểm giao mùa khiến các yếu tố môi trường thay đổi, dễ gây bất lợi cho sự sinh trưởng của các loài thuỷ sản nuôi trồng. Nhằm đảm bảo an toàn giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi thuỷ sản, tỉnh Vĩnh Long đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng môi trường nước trong nuôi cá lồng.
Là địa phương có vùng nuôi cá lồng bè lớn trong cả nước, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều hoạt động giám sát nguồn nước, đảm bảo hình thức nuôi thủy sản phù hợp với từng vùng, điều kiện sinh thái địa phương nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nuôi trồng thuỷ sản. Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long, hiện nay trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 206 hộ nuôi thuỷ sản với 1.690 lồng bè, trong đó tập trung nhiều nhất ở ven sông Tiền, sông Cổ Chiên thuộc các xã An Bình, Hòa Ninh, Đồng Phú, huyện Long Hồ.
Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình tiêu thụ và xuất khẩu thuận lợi, giá cá thương phẩm ổn định ở mức cao, người nuôi có lãi nên mạnh dạn đầu tư. Ước sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác trong quý I năm 2025 của Vĩnh Long đạt 30.448 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 29.060 tấn, tăng 3%. Trong đó, diện tích đang thả nuôi cá tra thâm canh trên 200ha, ước sản lượng đạt 16.080 tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Hiện nay, nhiều cơ sở nuôi đa dạng chủng loại nuôi có giá trị kinh tế như: cá lăng nha, cá cóc, cá he, cá chốt… để tăng giá trị sản xuất và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Đại diện Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết các khu vực nuôi cá lồng bè (chủ yếu là cá diêu hồng) ven sông Tiền, sông Cổ Chiên thuộc huyện Long Hồ nằm trong vùng quy hoạch nuôi thủy sản của tỉnh.
Để hoạt động nuôi cá lồng bè nơi đây không gây ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh, hàng năm Chi cục đều phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh đến hộ nuôi. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản còn kiểm tra, giám sát, yêu cầu các hộ nuôi cá ký cam kết bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thông qua việc thu gom triệt để chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;
Hướng dẫn người dân không được xây nhà vệ sinh trên lồng bè; đối với cá giống thả nuôi phải có nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, đối với thức ăn công nghiệp nuôi cá, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học phải được phép lưu hành và còn trong thời hạn sử dụng.
Hiện nay tỉnh Vĩnh Long có gần 1.700 lồng bè nuôi trồng các loại thuỷ sản.
Những lưu ý trên được người dân trong tỉnh tích cực thực hiện. Đã nhiều năm nay, Cù lao An Bình (xã An Bình, huyện Long Hồ) được xem là nơi nuôi cá lồng bè quy mô nhất của tỉnh Vĩnh Long. Hiện nay xã có 129 hộ nuôi cá với 1.093 lồng bè chủ yếu là tại khu vực ven sông Cổ Chiên. Lãnh đạo UBND xã An Bình, huyện Long Hồ thông tin, để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nông hộ đi đôi với bảo vệ môi trường, hàng tháng xã đều tuyên truyền qua hệ thống loa phóng thanh các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh trong nuôi cá lồng bè.
Đồng thời yêu cầu các hộ nuôi thu gom chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã sử dụng mang bỏ vào các thùng chuyên dụng đặt tại các cửa hàng, đại lý bán vật tư nông nghiệp để lưu chứa chờ đơn vị chức năng vận chuyển đi xử lý. Không chỉ thế, hàng năm xã An Bình còn tổ chức chương trình đổi rác thải nhựa, bao gói, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi lấy nhu yếu phẩm.
Nhiều người dân ở xã An Bình rất phấn khởi khi tham gia chương trình đổi rác thải lấy quà tặng, vì thông qua chương trình này không chỉ giúp họ nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen trong việc thu gom chai lọ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường, mà còn được tặng miễn phí nhu yếu phẩm phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày như nước mắn, bột ngọt, nước tương.
Tỉnh Vĩnh Long đang đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá lồng bè trên sông Tiền, sông Cổ Chiên kết hợp với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển các đối tượng thủy sản có tiềm năng; đa dạng hóa các đối tượng thủy sản nuôi. Tập huấn hướng dẫn người nuôi về kỹ thuật và biện pháp phòng trị bệnh cá để giảm tỷ lệ hao hụt; quan trắc môi trường ở các vùng nuôi; tăng cường công tác theo dõi, cập nhật thông tin xâm nhập mặn để cảnh báo, hướng dẫn người dân kịp thời, từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại do các yếu tố môi trường gây ra.
Đẩy mạnh quan trắc, kiểm tra môi trường nước giúp thuỷ sản sinh trưởng ổn định.
Nhằm đẩy mạnh phát triển ngành thuỷ sản nói chung, lĩnh vực nuôi cá lồng bè nói riêng, UBND tỉnh Vĩnh Long đã sớm ba hành Quyết định số 1451/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thuỷ sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Tại Quyết định đã nhấn mạnh một số chỉ tiêu hướng đến năm 2030 đó là giá trị sản xuất thuỷ sản theo giá so sánh (2010) tăng bình quân 2,4% trong giai đoạn 2021-2025 và 1,8%/năm giai đoạn 2026-2030. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.250 ha, trong đó diện tích nuôi cá tra 500 ha, nuôi thủy sản lồng bè 2.000 cái; Tổng sản lượng thủy sản đạt 166.000 tấn/năm, trong đó sản lượng nuôi thủy sản đạt 160.000 tấn, sản lượng khai thác thủy sản nội địa duy trì mức 6.000 tấn. Xây dựng ít nhất 01 cơ sở sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. 100% các cơ sở nuôi thủy sản đối tượng chủ lực đều được đăng ký mã số nuôi trồng và 30% được chứng nhận tiêu chuẩn nuôi trồng (GAP, Global GAP, ASC, BAP…).
Về tầm nhìn đến năm 2045 phát triển kinh tế ngành thủy sản nắm giữ vai trò trọng tâm trong cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thông tin, công nghệ số 4.0 trong hoạt động quản lý, hoạt động sản xuất thủy sản, hoạt động giao dịch thương mại điện tử.
Phát triển các mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nuôi hữu cơ, nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Tập trung phát triển sản phẩm chế biến sâu, tăng giá trị tỷ trọng ngành chế biến thủy sản, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm, an sinh xã hội. Phấn đấu lao động ngành thủy sản có mức thu nhập ngang bằng mức thu nhập bình quân chung của cả nước.
Trong lĩnh vực nuôi tồng thuỷ sản, phát triển cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nuôi trồng thủy sản chất lượng cao đối với các đối tượng nuôi chủ lực, đối tượng nuôi có giá trị kinh tế. Phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, để nâng cao năng suất, thân thiện môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Khuyến khích đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản ở các khu vực đất nông nghiệp canh tác không hiệu quả, bị xâm nhập mặn với các loài thủy sản nuôi phù hợp, hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập cho lao động nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Phát triển các hình thức sản xuất nuôi trồng thủy sản theo liên kết chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong quản lý, tổ chức sản xuất thủy sản.
Phát triển nuôi thủy sản sạch, nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, nuôi lồng bè, nuôi làm cảnh theo hướng sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu thụ nội địa và hướng tới xuất khẩu. Đặc biệt, Vĩnh Long sẽ chú trọng triển khai nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường cho các vùng nuôi thủy sản tập trung của tỉnh. Triển khai nhiệm vụ giám sát, phòng chống dịch bệnh thủy sản cho đối tượng nuôi chủ lực cá tra xuất khẩu và cho đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế của tỉnh…/.
Bích Hường
Bình luận