Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ hai, 28/08/2023 14:08
TMO - Khắc phục những hạn chế trong sản xuất cà phê thiếu bền vững, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu... một số địa phương đang hình thành các Tổ khuyến nông cộng đồng trong sản xuất cà phê.
Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Liên minh châu Âu tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm khoảng 39% khối lượng xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường EU đạt 689.049 tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về lượng và 45,4% về trị giá so với năm 2021. Để triển khai kịp thời và hiệu quả kế hoạch trên, hệ thống khuyến nông cả nước nói chung và khuyến nông cộng đồng nói riêng đóng vai trò nòng cốt.
Ngày 16/5/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua Quy định không gây mất rừng (EUDR). Theo quy định này, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS), dựa trên đó để xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát. EUDR dự kiến có hiệu lực từ tháng 12/2024 và sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong các chuỗi cung ứng ngành hàng, trong đó có cao su, cà phê, gỗ và sản phẩm từ gỗ. Đây là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
EU nhận định, 90% hoạt động phá rừng được cho là do mở rộng diện tích nông nghiệp và liên quan đến một số hàng hóa nhất định. EU là nhà tiêu thụ chính các mặt hàng liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa và các loại mặt hàng chiến 85 triệu Euro mỗi năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 2,3 tỷ Euro, chủ yếu rơi vào mặt hàng cà phê (47,5%), gỗ (35,2%), cao su (17,1%). Do đó yêu cầu của EU về sản phẩm không gây mất rừng là một thách thức của vùng sản xuất cà phê tại Việt Nam.
Khuyến nông cộng đồng có vai trò quan trọng đối với vùng sản xuất cà phê, góp phần làm minh bạch, đáp ứng với quy định của EU.
Cà phê là một ngành hàng chủ lực và EU là thị trường lớn. Vì vậy, cần có sự nhận diện rõ hơn về vấn đề phát triển bảo đảm quy định chống phá rừng và có định hướng, giải pháp. Trong đó, khuyến nông cộng đồng có vai trò, trách nhiệm quan trọng đối với vùng sản xuất cà phê, góp phần làm minh bạch, đáp ứng với quy định của EU.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, diện tích cà phê cả nước là hơn 710 nghìn ha, năng suất đạt 28,2 tạ/ha, cho sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng chiếm 91,2% về diện tích và 93,2% về sản lượng cà-phê cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2021, diện tích và năng suất cà phê cả nước đều tăng, trong đó diện tích cà phê tăng 28,1%, năng suất tăng 31,2% và sản lượng tăng 67,7%. Mặc dù diện tích canh tác cà phê tại khu vực miền núi phía bắc tăng nhanh, nhưng diện tích cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn tăng và là vựa cà phê lớn nhất của cả nước với mức tăng 31,8%.
Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê ở Tây Nguyên hiện đang gặp khó khăn và thiếu bền vững, quy mô manh mún, nhỏ lẻ, diện tích cà-phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý; khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ; người sản xuất cà-phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra, nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình... Từ thực tế đó, thực hiện chủ trương tiếp tục coi cà-phê là một trong những cây trồng chủ lực quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng trong xây dựng vùng nguyên liệu cà-phê bền vững ở các tỉnh Tây Nguyên.
Tỉnh Đắk Nông hiện có trên 314.862 ha đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cà phê vẫn là một trong những loại cây chủ lực của tỉnh, với diện tích 135.572 ha, sản lượng năm 2022 đạt khoảng 344.400 tấn. Địa phương này đang hình thành các tổ khuyến nông cộng đồng trong sản xuất cà phê. Đến nay, toàn tỉnh có trên 23.489 ha cà phê áp dụng các tiêu chuẩn trong sản xuất, chỉ chiếm 15,9% diện tích sản xuất cà phê. Trong đó, có 220 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 90 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; 23.179 ha sản xuất theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, Flo…
Do đó, việc thành lập, củng cố hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng gắn với phát triển vùng nguyên liệu cà phê là hết sức quan trọng. Các tổ khuyến nông này sẽ hỗ trợ, định hướng cho người dân trong việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn, liên kết đầu ra, nâng cao chất lượng. Từ đó, tạo sự ổn định và nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê của địa phương.
Trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập 2 Tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) và xã Nam Bình (Đắk Song). Ngoài ra, hiện nay tại một số địa phương trong tỉnh cũng tự thành lập các Tổ khuyến nông cộng đồng như: Tổ khuyến nông cộng đồng xã Nam Đà (Kông Nô), với 10 thành viên; Tổ khuyến nông cộng đồng xã Đắk Mol (Đắk Song), với 8 thành viên tham gia... Thời gian tới, tỉnh Đắk Nông dự kiến sẽ thành lập thêm 8 tổ khuyến nông cộng đồng tại các xã Đức Mạnh, Đức Minh, Thuận An (Đắk Mil); Trường Xuân, Đắk Hòa, Thuận Hà (Đắk Song); Nâm Nung, Tân Thành (Krông Nô).
Các Tổ khuyến nông cộng đồng được thực hiện thí điểm tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên phát huy hiệu quả trong hỗ trợ, định hướng cho người dân trong việc sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn...
Những năm gần đây, cà phê, chanh dây, chuối, sầu riêng được xem là những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh Gia Lai. Tại địa phương này chương trình tái canh cà phê với các giống mới TR4, TR9, TR11, TRS1 và sản xuất cà phê có chứng nhận 4C; các mô hình trồng hồ tiêu sạch, hình thành các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, bền vững; xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm... Thực tế ở lĩnh vực cà phê - loại cây chủ lực được ví là cây "triệu đô", thời gian qua ở Gia Lai đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững, hướng tới xuất khẩu và đem lại giá trị cao cho người trồng.
Theo Trung tâm Khuyến nông Gia Lai, thực hiện Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN ngày 25/3/2022 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng"; Văn bản số 1234/VP-NL ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh Gia Lai về việc nghiên cứu, đề xuất triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình Tổ khuyến nông cộng đồng, đến nay Trung tâm Khuyến nông Gia Lai đã phối hợp với đơn vị liên quan cùng các địa phương thành lập 2 tổ khuyến nông cộng đồng tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa và xã Ia Hrung, huyện Ia Grai.
Trên địa bàn cũng đã có 2 huyện ngoài đề án ra quyết định thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng là huyện Phú Thiện (8 tổ ở 8 xã bao gồm: Ia Sol, Ia Piar, Ia Peng, Ia Hiao, Ia Ake, Chrôh Pơnan, Ayun Hạ, Ia Yeng) và huyện Chư Prông (01 tổ ở xã Thăng Hưng). Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Gia Lai dự kiến thành lập thêm 8 tổ khuyến nông cộng đồng ở các huyện Chư Păh, Chư Sê, Đức Cơ và TP Pleiku.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”. Giai đoạn I của đề án thực hiện từ năm 2021-2023 được triển khai thí điểm tại 13 tỉnh, thành đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm (với tổng số 168 thành viên) và 562 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng (với tổng số 4.276 thành viên). Ngoài 13 tỉnh tham gia Đề án thí điểm, hiện tại trên cả nước đã có thêm nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh, phải hành động ngay trong việc sản xuất cà phê không gây mất rừng nhằm tránh thêm một “thẻ vàng” của EU trên đất liền như đã từng xảy ra với mặt hàng thủy hải sản; trong đó, mô hình khuyến nông cộng đồng có vai trò, trách nhiệm quan trọng đối với vùng sản xuất cà phê. Từ đó, góp phần làm minh bạch, đáp ứng với quy định của EU; đồng thời đây cũng là dịp để nhận diện các thách thức, xây dựng chương trình hành động để khắc phục những khó khăn, bất cập trước khi EUDR được áp dụng. Hiện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phát triển 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn nhằm đáp ứng Quy định sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng của EU; trong đó, vùng sản xuất cà phê Tây Nguyên có 11.200 ha với các tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn.
PV
Bình luận