Hotline: 0941068156
Thứ tư, 02/07/2025 16:07
Thứ tư, 02/07/2025 04:07
TMO - Sự thiếu nước hay quá dư thừa nước đang tác động nghiêm trọng đến các di sản văn hóa và thiên nhiên trên toàn thế giới, khiến gần 75% di sản nhân loại đứng trước nguy cơ bị hư hại hoặc biến mất nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời.
Đây là cảnh báo được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 1/7. UNESCO nhấn mạnh tình trạng căng thẳng nguồn nước dự kiến sẽ gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt ở các khu vực như Trung Đông, Bắc Phi, một phần Nam Á và miền bắc Trung Quốc. Điều này gây ra những rủi ro dài hạn cho hệ sinh thái, di sản văn hóa, cũng như các cộng đồng và nền kinh tế du lịch phụ thuộc vào những di sản này.
Nghiên cứu của UNESCO cũng chỉ ra rằng các di sản văn hóa thường xuyên bị đe dọa do tình trạng khan hiếm nước, trong khi hơn một nửa các di sản thiên nhiên lại đối mặt với nguy cơ lũ lụt từ các con sông gần đó.
Khi nhiệt độ toàn cầu không ngừng tăng, các nhà khoa học cảnh báo rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, hạn hán, lũ lụt và sóng nhiệt đã trở nên thường xuyên và dữ dội hơn.
Điều này tác động trực tiếp đến 73% trong tổng số 1.172 di sản không thuộc khu vực biển được UNESCO công nhận. Những di sản này đang phải đối mặt với ít nhất một trong các rủi ro về nước nghiêm trọng như căng thẳng nguồn nước, hạn hán, lũ lụt sông hoặc ngập lụt ven biển. Báo cáo của UNESCO đã chỉ ra nhiều ví dụ điển hình về những di sản đang vật lộn với các vấn đề liên quan đến nước.
Thiếu nước hay dư thừa nước đều gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho các điểm di tích, di sản văn hoá trên toàn cầu. (Ảnh minh hoạ).
Vùng đầm lầy phía Nam Iraq, nơi được cho là quê hương của Vườn địa đàng trong Kinh thánh này đang chịu căng thẳng nguồn nước cực độ, với hơn 80% nguồn cung cấp nước tái tạo bị rút cạn để đáp ứng nhu cầu của con người. Cạnh tranh nguồn nước dự kiến sẽ leo thang tại khu vực này khi nhiệt độ tăng cao trong những năm tới, ảnh hưởng đến đời sống của các loài chim di cư và hoạt động chăn nuôi trâu của người dân.
Tọa lạc tại thành phố Agra, bang Uttar Pradesh, thuộc phía Bắc Ấn Độ, Đền thờ Taj Mahal đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng, dẫn đến ô nhiễm gia tăng và suy giảm mực nước ngầm, gây hư hại cho công trình kiến trúc này.
Hay như Vườn Quốc gia Yellowstone, Mỹ, vào năm 2022, một trận lũ lụt lớn đã buộc địa điểm này phải đóng cửa hoàn toàn, gây thiệt hại hơn 20 triệu USD chi phí sửa chữa cơ sở hạ tầng để có thể mở cửa trở lại.
Trước những tác động ngày càng rõ rệt của khủng hoảng nước, việc bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên không chỉ là trách nhiệm của riêng một quốc gia, mà là thách thức chung của toàn cầu. Cần có các giải pháp ứng phó hiệu quả, bao gồm quản lý tài nguyên nước bền vững, tăng cường hợp tác quốc tế và đầu tư vào công nghệ bảo tồn. Nếu không hành động kịp thời, thế giới có thể đánh mất những giá trị vô giá của nhân loại, kéo theo những hệ lụy lâu dài đối với môi trường, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Quốc Tuấn
Bình luận