Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ tư, 19/07/2023 19:07
TMO - Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là khu vực gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 50% số tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước. Đây là lợi thế lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, có vị trí trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Khu vực có tổng số lượng đô thị là 210 đô thị, công tác quản lý phát triển đô thị thời gian qua cũng đã có được nhiều kết quả tích cực.
Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Trung ương về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt khoảng 47%-48% đồng và số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 90%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu khoảng 30%. Đến năm 2045, vùng có hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
(Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, hiện nay, Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có 6 đô thị loại I, 7 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 166 đô thị loại V. Vùng có hệ thống các đô thị trung tâm và hạt nhân cấp vùng được liên kết thuận lợi với nhau và liên kết với cả các đô thị khác trong nước và quốc tế thông qua hệ thống hạ tầng giao thông. Trong số đó, tuyến Quốc lộ 1A đi qua hơn 70 đô thị hầu hết là các đô thị trung tâm và hạt nhân cấp vùng, hình thành mạng lưới đô thị theo chuỗi bám dọc tuyến. Mặt khác, 11/14 tỉnh có cảng biển là điều kiện thuận lợi phát triển các đô thị ven biển. Ngoài ra, vùng có nhiều đô thị được thiên nhiên ưu đãi về du lịch khi có đường bờ biển với nhiều cảnh quan, bãi biển đẹp, hoang sơ, hấp dẫn… (như Khánh Hòa, Phan Thiết...) cùng các giá trị văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc khác nhau. Đây chính là tiền đề để phát triển hình thành các đô thị du lịch ven biển (phát triển ngành du lịch, kinh doanh bất động sản, các khu nghỉ dưỡng, biệt thự cao cấp ven biển...).
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế nêu trên, việc phát triển hệ thống đô thị trong vùng cũng gặp phải những khó khăn, thách thức với khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu thì cường độ, tần suất của loại hình thiên tai ngày càng khốc liệt, khó dự đoán hơn, đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống người dân và quá trình phát triển đô thị.
Trên cơ sở đó, nhiều chuyên gia đề xuất các địa phương cần ưu tiên chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; tập trung xây dựng các chương trình phát triển đô thị để tích hợp nguồn lực thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng trong vùng nói riêng và với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc-Trung-Nam nói chung đồng thời hỗ trợ liên kết phát triển trục đô thị Đông-Tây. Mặt khác, các đô thị lớn (có hạ tầng hiện đại như Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vinh...) cần tiếp tục thúc đẩy đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kết cấu hạ tầng để nâng cao hơn nữa khả năng kết nối trong vùng cũng như trên cả nước.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các đô thị lớn cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể là hình thành nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng gắn liền đô thị tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế đô thị. Nên lựa chọn, khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Đặc biệt, các đô thị ven biển các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên... cần được thúc đẩy để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
THANH BÌNH
Bình luận