Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Chủ nhật, 06/08/2023 13:08
TMO – Thu gom tốt nhưng không đủ năng lực trong vận hành xử lý chất thải khiến nhiều địa phương khu vực miền Tây đang là tâm điểm về ô nhiễm môi trường từ các bãi chứa, xử lý chất thải.
Có thể khẳng định rằng, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải đã quy định bằng Luật Bảo vệ môi trường 2020 nói riêng và các văn bản quy định khác nói chung. Ở cấp địa phương, vấn đề này cũng được cụ thể hóa bằng chỉ đạo thông qua các văn bản, hội họp...một cách rất quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt ở nhiều địa phương vẫn còn lúng túng và nhiều bất cập, đặc biệt tại các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Vị trí đặt bãi rác tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nguồn nước. Ảnh: H. Long.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 18 bãi chứa, trung chuyển và xử lý chất thải. Mỗi ngày, địa phương này có khoảng 450 tấn rác thải sinh hoạt nhưng năng lực xử lý của các nhà máy chưa đến 50 tấn. Tình trạng rác tồn đọng kéo dài gây ô nhiễm môi trường, người dân nhiều lần bức xúc, phản ứng. Tương tự, tại tỉnh Vĩnh Long một số bãi rác cũng rơi vào tình trạng ùn ứ, quá tải, gây ô nhiễm. Điển hình là bãi rác Hòa Phú, huyện Long Hồ. Bãi rác này có quy mô 47 ha được đưa vào sử dụng từ năm 1997, gồm bốn khu chứa rác và các công trình phụ trợ như đường dẫn, đê bao, hồ chứa nước rỉ...Năm 2013, một doanh nghiệp đầu tư 200 tỷ đồng xây nhà máy xử lý rác làm phân vi sinh với công suất 300 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 6 tháng thì đóng cửa. Năm 2016, nhà máy hoạt động trở lại và chuyển sang phương án đốt rác, nhưng chỉ cầm cự được vài tháng rồi dừng. Nguyên nhân là không đủ kinh phí để vận hành.
Tại tỉnh Bến Tre, nhà máy rác xã An Hiệp ở huyện Ba Tri rộng khoảng 5 ha, hoạt động từ hơn 10 năm trước, mỗi ngày tiếp nhận 30-40 tấn rác. Gần hai năm nay, nhà máy rác tại xã Hữu Định tại huyện Châu Thành đóng cửa do không đảm bảo các điều kiện về môi trường. Rác từ huyện Châu Thành và TP Bến Tre tập trung vào bãi rác An Hiệp từ 120-150 tấn mỗi ngày. Lượng rác quá tải, trong khi hạ tầng xử lý nước thải, mùi hôi, tường bao quanh chưa đảm bảo khiến khu vực xung quanh ô nhiễm. Việc bãi rác không đủ năng lực xử lý gây tình trạng ô nhiễm nặng khiến hàng trăm hộ dân tại hai xã An Đức, An Hiệp lập chốt ngăn chặn xe chở rác vào. Cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre đã nhiều lần tổ chức đối thoại tìm cách giải quyết nhưng không thành.
Bãi rác An Hiệp (Bến Tre) quá tải, không được xử lý khiến môi trường nơi đây ô nhiễm nặng. Ảnh: Thanh Bạch
Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu, bãi rác lớn nhất tỉnh này rộng khoảng 2 ha, hoạt động 14 năm với công suất tiếp nhận mỗi ngày hơn 100 tấn. Đến nay hàng trăm nghìn tấn rác ở bãi chất cao khoảng 15 m, vượt sức chứa bốn lần. Do thường xuyên quá tải, bãi rác bốc mùi hôi lan đến các khu dân cư. Hiện, mỗi ngày toàn tỉnh Bạc Liêu thải ra hơn 400 tấn rác. Trong khi địa phương chỉ có hai lò đốt rác tập trung tại huyện Đông Hải, Phước Long (công suất lò đốt 0,5 tấn mỗi giờ) và các bãi chôn lấp tại huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình và thị xã Giá Rai. Tất cả đều không đảm bảo về vấn đề môi trường. Lượng rác tăng nhanh trong khi nhà máy công suất quá nhỏ không xử lý hết dẫn đến ô nhiễm hiện đang là tình trạng chung của nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Theo các chuyên gia về môi trường, không chỉ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang đối mặt với số lượng rác thải hằng ngày quá lớn, trong khi công nghệ xử lý rác chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tế cho thấy, công nghệ xử lý các loại rác thải nhìn chung còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý các loại rác thải khiến chính quyền các địa phương, doanh nghiệp lúng túng. Ở một số địa phương, các nhà máy xử lý rác thải cũng dừng hoạt động vì thu không đủ chi; máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí sửa chữa, mua mới để thay thế... Mặc dù, tỷ lệ thu gom rác thải ở các đô thị hằng năm vẫn tăng, nhưng do lượng rác thải phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải chưa đạt theo yêu cầu.
Nhiều hộ dân lập chốt, căng băng rôn không cho phương tiện chở rác vào bãi An Hiệp (Bến Tre) do bãi rác này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người dân.
Lấy dẫn chứng, theo kết quả đánh giá của cơ quan chức năng, tại khu vực miền trung và Tây Nguyên hiện có khoảng 173 cơ sở xử lý/bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng trong đó, các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh chiếm 51%, chủ yếu là bãi rác hở, đổ lộ thiên (rác đổ đống, để khô đốt và khi đầy thì lấp đất) hoặc bán lộ thiên (đào hố rãnh sâu, đổ rác, để khô đốt và khi đầy thì lấp đất), do đó không bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh môi trường. Nhiều bãi chôn lấp rác thải chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải, nước rỉ của rác. Phương pháp xử lý rác thải tại các bãi chủ yếu là phun chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi và côn trùng cùng với rắc vôi bột khử khuẩn…
Giải pháp nào?
Theo các chuyên gia, để xử lý rác thải (đặc biệt ở vùng đô thị) hiệu quả, hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường, trước hết chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng cần thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi; sự nguy hiểm của rác thải đối với sức khỏe con người... Các đơn vị thu gom rác cần bảo đảm thu gom và xử lý rác thải đúng theo quy định, kịp thời; bố trí thêm nhiều điểm đặt thùng rác để rác thải không bị vứt bừa bãi. Có chế tài xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường có nguyên nhân từ rác thải.
Các địa phương tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tốt cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải theo đúng quy định; khuyến khích tái chế, sử dụng qua nhiều vòng trước khi tiêu hủy rác bằng phương pháp đốt hoặc phương pháp khác. Mặt khác, chú ý khâu phân loại rác thải tại nguồn, từ hộ gia đình và tại cơ sở chủ nguồn rác thải; xác định vị trí phân loại tại khu vực không gây ô nhiễm môi trường; đặt trạm trung chuyển, tập kết rác tại nơi phù hợp, bảo đảm giảm mùi hôi và khoảng cách vệ sinh...
Vấn đề quan trọng nhất, giới chuyên gia cho rằng, các địa phương phải có cơ chế hài hòa, phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như cần có giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện (cơ chế thông thoáng) để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Cơ quan chuyên môn của địa phương phải tính toán, dư báo được số lượng chất thải sẽ thải ra trong thời gian tới (5 năm, 10 năm hoặc xa hơn nữa), từ đó sẽ biết cần phải làm những gì để tránh tình trạng “chạy theo” để xử lý như hiện nay.
LÊ HÙNG
Bình luận