Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 16:01
Thứ hai, 08/07/2024 11:07
TMO – Những tháng cuối năm 2024, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện.
Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 về tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong chỉ đạo điều hành, cần lưu ý quý III, quý IV có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2024 để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch năm 2024.
Theo Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu là phấn đấu đạt tăng trưởng GDP từ 6,5-7% trong quý III, sau đó xác định mục tiêu phù hợp trong quý IV; lạm phát giữ ở mức dưới 4,5%, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và có thặng dư, bảo đảm an ninh tài chính-tiền tệ quốc gia, giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; không để tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; đồng thời quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; nắm chắc diễn biến tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Trong mọi trường hợp phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; ổn định chính trị xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế và thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa và tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục điều tiết tỉ giá, mặt bằng lãi suất phù hợp; trong đó lưu ý giảm mặt bằng lãi suất cho vay, chi phí vay để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng, tăng tiếp cận vốn tín dụng.
Giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Siết chặt kỷ luật tài chính- ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, tiết kiệm chi; đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng hóa đơn điện tử, chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử. Tiếp tục thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất. Tăng cường công tác quản lý giá; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; kiên quyết không để thiếu điện.
Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; kiên quyết điều chuyển 29,9 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ chi tiết; tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn ODA; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao. Kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm. Xây dựng, tổ chức tốt Chương trình thi đua 500 ngày nỗ lực cố gắng hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc để có hệ thống đường cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam và 80 năm Quốc khánh.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, khuyến mại, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Có cơ chế, chính sách cụ thể, hiệu quả thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các lĩnh vực giá trị gia tăng cao như chíp bán dẫn, AI…). Đồng thời, thúc đẩy tăng cung của nền kinh tế, trong đó lưu ý tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.
Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh minh họa.
Khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài. Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Triển khai tốt việc tăng lương. Khẩn trương thành lập Quỹ chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát", phấn đấu trong năm 2025 xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ; đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công với cách mạng.
Bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; phòng, chống đuối nước, nhất là ở trẻ em trong kỳ nghỉ hè. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai; sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan cần tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (về thể chế, rà soát, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý; về đầu tư công, tập trung cho hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng điện, hạ tầng số, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư; về nhân lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là cho các lĩnh vực mới nổi, giá trị gia tăng cao) với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
TÚ QUYÊN
Bình luận