Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 00:12
Thứ sáu, 04/10/2024 07:10
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay hầu hết các địa phương đều đã xác định vụ Đông là vụ chính, sản xuất hàng hóa chính với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao. Nhất là sau những thiệt hại từ bão số 3, các tỉnh, thành phía Bắc đang đẩy mạnh khôi phục sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng vụ Đông.
Vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc là một trong các vụ sản xuất chính với sản phẩm đa dạng, và mang lại thu nhập cao cho người dân. Trong bối cảnh sản xuất lúa và các loại cây trồng khác, trong đó có rau màu chịu thiệt hại nặng nề do tác động của cơn bão số 3 (YAGI) và lũ, lụt sau bão, việc tập trung vào đẩy mạnh sản xuất vụ đông 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng ngành trồng trọt. Tạo thu nhập cho người dân, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán của các tỉnh phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Trong vụ Đông 2024, các tỉnh phía Bắc phấn đấu đạt diện tích khoảng 420.000ha, sản lượng khoảng 5 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của thị trường giữa các loại rau màu ngắn ngày và cây trồng có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho bà con nông dân; mở rộng tối đa diện tích cây trồng còn thời vụ nhằm bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra theo phương châm “nước rút, có đất trống đến đâu gieo trồng đến đó”.
Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông 2024 linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, loại cây trồng, nguồn lực, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo đạt mục tiêu toàn diện về quy mô diện tích, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng cung cầu của thị trường. Kế hoạch sản xuất (nhất là bố trí cơ cấu cây trồng và khung thời vụ) của vụ Đông phải phù hợp để không ảnh hưởng tới sản xuất vụ lúa đông xuân 2024-2025.
Cùng với kế hoạch là xây dựng, ban hành cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ nông dân sản xuất; khuyến khích, trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vụ Đông. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, xúc tiến thương mại để chủ động tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp khôi phục sản xuất sau mưa bão, nâng cao giá trị cây trồng vụ Đông năm nay.
Với các đơn vị chuyên môn ở địa phương, cần tranh thủ tối đa thời tiết thuận lợi thu hoạch sớm, nhanh và gọn diện tích lúa mùa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do bão và mưa lũ, đồng thời giải phóng đất sớm để trồng cây vụ Đông. Cùng với đó, bám sát khung thời vụ và diễn biến thời tiết thực tế để điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp; đồng thời áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để tranh thủ thời vụ, mở rộng diện tích cây vụ Đông ưa ấm còn thời vụ. Phát triển nhóm cây vụ đông ưa lạnh có lợi thế, có khả năng bảo quản dài và có thị trường tiêu thụ tốt.
Ngoài ra, phải phổ biến và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật, cho hiệu quả kinh tế cao, các mô hình canh tác tiết kiệm, giảm sử dụng vật tư đầu vào để tận dụng thời gian, giảm công lao động và tăng hiệu quả kinh tế; chủ động chỉ đạo quản lý phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng vụ Đông. Tăng cường kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV) để đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ sản xuất.
Cục Trồng trọt được giao nhiệm vụ chỉ đạo các địa phương thu hoạch lúa mùa sớm kịp thời để có đất cho cây vụ Đông; hướng dẫn và kiểm tra thời vụ gieo trồng. Phối hợp với các địa phương, đặc biệt với các tỉnh trọng điểm rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ Đông đảm bảo thực hiện đúng các mục tiêu về diện tích, sản lượng đã đề ra. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Cục Thủy lợi, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương bám sát diễn biến của thời tiết để có những biện pháp chỉ đạo kịp thời về tình hình nguồn nước tưới và tiêu nước cho cây trồng vụ Đông.
Cục Thủy lợi cần chủ động xây phương án điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý; chỉ đạo công tác tưới tiêu, phòng chống mưa bão, úng ngập cây vụ đông theo vùng, khu vực. Phối hợp với Trung tâm Khí tượng thủy văn để nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết để tham mưu, chỉ đạo các địa phương thực hiện biện pháp ứng phó hiệu quả với những tình huống thời tiết bất thuận, giảm thiểu tối đa thiệt hại đến cây trồng.
Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh, phát triển của các loài sinh vật gây hại chính, có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; Hướng dẫn sử dụng phân bón để đạt hiệu quả cao, đảm bảo tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào. Ngoài ra, đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các đối tượng cây trồng phục vụ cho các thị trường xuất khẩu. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm vụ Đông.
Tại Hà Nội, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, tính đến ngày 22/9, TP.Hà Nội đã gieo trồng được 802,2 ha cây vụ đông như ngô, cây gia vị, cây dược liệu… Nhằm khắc phục thiệt hại trong lĩnh vực trồng trọt do bão số 3 gây ra, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch vụ mùa, mở rộng diện tích cây trồng vụ Đông năm 2024.
Theo kế hoạch, vụ Đông năm nay, thành phố gieo trồng 29.000 ha. Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị tăng diện tích gieo trồng cây vụ Đông lên khoảng 36.000 ha. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển cây khoai tây vụ đông gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, nông dân các vùng chuyên canh rau lớn của Hà Nội đang tích cực xuống giống vụ rau mới, nhằm sớm thu hoạch cung ứng cho người tiêu dùng.
Tại tỉnh Thái Bình, để bù đắp thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do bão số 3, vụ Đông năm 2024, các địa phương cần tập trung mở rộng diện tích gieo trồng, bố trí thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng; đồng thời, đẩy mạnh liên kết tạo thêm giá trị kinh tế cho nông dân, nhất là diện tích bị thiệt hại do mưa, lũ.. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 36.600ha cây vụ Đông các loại.
Để sản xuất vụ Đông hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương huy động tối đa phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn lúa đã chín, thu hoạch đến đâu làm đất gieo trồng vụ đông đến đó. Làm bầu, ươm giống các cây vụ đông ưa ấm, tranh thủ ra bầu trên ruộng khi thời tiết cho phép để kịp thời gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất (trước ngày 5/10); chuẩn bị hạt giống và lựa chọn cây trồng ưa lạnh có lợi thế ở Thái Bình (khoai tây, củ cải ngọt, bắp cải, rau gia vị...) để gieo trồng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, rà roát, mở rộng tối đa diện tích gieo trồng, ưu tiên cây trồng ngắn ngày, sớm cho thu hoạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nâng cao hệ số sử dụng đất và thu nhập cho người dân.
Các địa phương đang đẩy mạnh gieo trồng trong vụ Đông năm nay.
Do ảnh hưởng của bão số 3 nên việc trồng cây vụ Đông sớm của Hải Dương chậm hơn cùng kỳ năm trước. Hiện nông dân đang khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ trồng vụ đông sớm. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, đến ngày 26/9, nông dân ở các địa phương trong tỉnh mới trồng được hơn 2.100 ha cây vụ Đông sớm, ít hơn 1.000 ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 388 ha dưa các loại, 248 ha cải bắp, su lơ, su hào, 185 ha ngô, còn lại là trồng cà rốt, hành tỏi... Huyện Kim Thành và Tứ Kỳ là 2 địa phương trồng được nhiều diện tích cây vụ đông sớm nhất tính tới thời điểm này (Kim Thành 940 ha, Tứ Kỳ 500 ha).
Trước đó, bão số 3 đã làm khoảng 2.000 ha rau màu bị ngập, đổ gãy, dập nát. Hiện nông dân ở các địa phương đang tích cực khắc phục khó khăn, làm đất... để đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ Đông. Theo lịch thời vụ của tỉnh, cây vụ đông sớm sẽ được nông dân gieo trồng đến hết tháng 10. Vụ Đông năm 2024 - 2025, Hải Dương phấn đấu gieo trồng 21.500 ha. Trong đó 18.000 ha rau các loại (các loại rau chủ lực gồm 6.500 ha hành, tỏi củ, 1.200 ha cà rốt, 4.500 ha cải bắp, su hào, su lơ; 1.000 ha khoai tây); 1.500 ha ngô, còn lại là các cây trồng khác.
Ngành Nông nghiệp Bắc Giang xác định, vụ Đông là vụ sản xuất hàng hóa chính trong năm, có nhiều điều kiện để mở rộng sản xuất nên chú trọng trong công tác chỉ đạo, hỗ trợ và hướng dẫn người dân tập trung sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, năm nay Bắc Giang đề ra mục tiêu gieo trồng 22 nghìn ha cây vụ Đông (tăng 300 ha so với vụ đông năm trước).
Trong đó, diện tích tăng chủ yếu là cây ưa lạnh như: Rau các loại, khoai tây, còn lại là ngô, lạc, khoai lang, cây khác. Theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT người dân gieo trồng cây ngô càng sớm càng tốt, đối với nhóm giống ngô có thời gian sinh trưởng từ 110 ngày trở lên cần trồng xong trước ngày 5/10; nhóm giống ngô có thời gian sinh trưởng 75-85 ngày, thời vụ kết thúc trồng trước 15/10. Đồng thời nên sử dụng các giống ngô nếp, ngô ngọt như: HN88, MX10, Sugar75 và các giống lai như: NK4300, NK4300Bt/Gt, NK 66Bt/Gt, CP511, HT119, NK6253, NK6275... Áp dụng kỹ thuật làm ngô bầu để tranh thủ thời gian, kịp thời vụ gieo trồng; bón phân sớm, đủ lượng và cân đối, phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh nghẹt rễ giai đoạn đầu; phòng trừ chuột, sâu xám, sâu keo mùa thu gây hại giai đoạn cây con.
Đối với lạc nên trồng trên những đất có khả năng thoát nước tốt, sử dụng các giống chủ lực như: L14, L18, L23, L26... Người dân chủ động thu hoạch lúa mùa sớm nhanh gọn để giải phóng đất sớm và trồng lạc ngay cho kịp thời vụ, gieo trồng tốt nhất trong tháng 9 và kết thúc trước ngày 10/10. Chú ý gieo trồng bằng phương pháp che phủ nilon nhằm hạn chế cỏ dại, sâu bệnh và giữ ẩm để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đối với khoai tây, sử dụng các giống có chất lượng, tiêu thụ thuận lợi như: Atlantic, Marabel, Diamant, Solara, Actrice, FL... cần lựa chọn giống sạch bệnh có nguồn gốc rõ ràng. Thời vụ trồng từ ngày 25/10 đến 25/11. Trồng khoai tây thành vùng tập trung, tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, tưới tiêu, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm, giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất.../.
Lê Hồng
Bình luận