Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 04:01
Thứ hai, 28/11/2022 02:11
TMO - Theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050) vừa được Thủ tướng phê duyệt, khu vực thăm dò, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản của tỉnh này được khoanh định 217 khu vực.
Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh có 191 khu vực mỏ vật liệu xây dựng và 26 khu vực mỏ khoáng sản kim loại, khoáng chất, than bùn và khoáng sản khác. Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có 39 khu đá xây dựng với tổng diện tích dự kiến 738,5 ha và cát, sỏi xây dựng có 37 khu với tổng diện tích dự kiến 382,5 ha. Bên cạnh đó, đất san lấp chiếm số lượng lớn với 94 khu với tổng diện tích 1.083,1 ha.
Một số địa phương được khoanh định có số lượng khu và diện tích khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nổi bật như huyện Kỳ Anh, huyện Hương Sơn, huyện Đức Thọ, huyện Thạch Hà, huyện Hương Khê. Bên cạnh đó, các khu khoáng sản được khoanh định gồm 7 khu quặng sắt và titan, 1 khu quặng thiếc, vàng, sericit được khoanh định. Đặc biệt, khu vực mỏ sắt Thạch Khê được thực hiện theo pháp luật về khoáng sản, quy hoạch và tuân thủ chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Có 217 khu vực được khoanh định thăm dò, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh
Trong quy hoạch cũng xác định các mỏ, khu vực địa điểm có khoáng sản nhưng chưa khai thác, cấm khai thác, cần bảo vệ với từng loại khoáng sản như: khu vực đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa; khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ; khu bảo tồn địa chất; khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; đất do cơ sở tôn giáo sử dụng; đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc....
Trước đó, nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định đóng cửa 4 mỏ đất, 2 mỏ đá. Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định đóng cửa 6 mỏ khoáng sản (2 mỏ đá xây dựng, 3 mỏ đất san lấp, 1 mỏ sét trắng làm gạch) trên địa bàn các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Cẩm Xuyên. Mục đích đóng cửa mỏ là để quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và thu hồi đất giao cho địa phương quản lý theo quy định của luật pháp về đất đai và pháp luật khác có liên quan; phục hồi môi trường khu vực đã khai thác.
UBND tỉnh quyết định đóng cửa nhiều mỏ khai khoáng sản nhằm khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên này tại địa phương. Ảnh: VC
Ngoài ra, theo Quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt, giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn sẽ đầu tư xây dựng nhiều công trình, khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế nên nhu cầu về nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong những năm tới rất lớn, lên tới 85 triệu m3. Để đáp ứng nguồn cung vật liệu xây dựng, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và qua rà soát sơ bộ, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã bổ sung thêm 3 khu vực đá xây dựng, diện tích 73,2ha, tài nguyên dự báo 10,9 triệu m3; đất san lấp 34 khu vực, diện tích 495,9ha, tài nguyên dự báo 59,2 triệu m3; cát, sỏi xây dựng 7 khu vực, diện tích 29ha, tài nguyên dự báo 1 triệu m3.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng khuyến khích các đơn vị tận dụng các loại vật chất nạo vét của các bến cảng, nhà máy nhiệt điện (4,8 triệu m3/năm); các loại chất thải rắn (tro bay, tro đáy, xỉ thép với 2,4 triệu m3/năm) trong khu kinh tế Vũng Áng, đã được các ngành chức năng công bố hợp quy, hợp chuẩn, đảm bảo làm sản phẩm hàng hóa, thay thế dần cho vật liệu san lấp truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường.
Lê An
Bình luận