Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 02:11
Thứ bảy, 05/11/2022 06:11
TMO - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông vừa ban hành thông báo về việc công bố khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 1.755 khu vực cấm hoặc tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản, tổng diện tích hơn 242.000ha (chiếm hơn 37% tổng diện tích tự nhiên).
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông), toàn tỉnh có 1.755 khu vực, vị trí thuộc diện cấm hoặc tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản. Các khu vực, điểm này thuộc 52 tuyến, có tổng chiều dài hơn 1.600km và tổng diện tích hơn 242.000ha. Trong đó, có 1.669 khu vực, vị trí cấm hoạt động khai thác khoáng sản, còn lại (86 khu vực, vị trí) thuộc diện tạm cấm hoạt động này.
Khu vực cấm hoạt động khai thác khoáng sản bao gồm: đất khu vực di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; đất quốc phòng-an ninh; đất cơ sở tôn giáo; đất công trình giao thông; đất thông tin truyền thông; đất công trình điện, thủy điện, đường dây tải điện; đất sạt lở bờ sông; đất các công trình quan trắc. Khu vực tạm cấm hoạt động khai thác khoáng sản bao gồm đất khu vực di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đất quân sự và đất di sản công viên địa chất.
Sở TN&MT vừa ban hành thông báo về việc công bố khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 16 loại khoáng sản, trong đó một số loại có trữ lượng lớn như bô xít, cao lanh, puzơlan, nước khoáng, đá quý... Bô xít là một trong những loại khoáng sản có trữ lượng và diện tích lớn. Theo quy hoạch của Chính phủ, bô xít tại Đắk Nông được quy hoạch thành 13 khu vực mỏ. Các mỏ được phân bố ở một số huyện: Đắk Glong, Đắk Song, Đắk R’lấp, Tuy Đức và TP.Gia Nghĩa. Trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 1.436 tỉ tấn tinh quặng, tương đương 3.425 tỉ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt trên 40%. Một số loại khoáng sản quý hiếm như vàng, đá quý bích ngọc, đá saphir, opal… phân bổ rải rác ở huyện Đắk Song, huyện Đắk Glong và Đắk Mil.
Bên cạnh đó, địa phương này còn có nhiều mỏ đá bazan quy mô lớn. Tại một số khu vực có xuất hiện đá dạng cột, có giá trị kinh tế cao. Nhóm khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường còn có các mỏ cát quy mô lớn. Các mỏ cát này tập trung chủ yếu tại khu vực sông Krông Nô, giáp ranh giữa Đắk Nông và Đắk Lắk.
Ngoài ra, đối với nguồn đất sét nổi bật là sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp tập trung ở huyện Đắk Glong và TP.Gia Nghĩa. Đất sét phân bố rải rác ở một số địa phương có thể khai thác công nghiệp, sản xuất gạch, ngói. Nhiều khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi măng, gạch… như puzơlan, đá bazan. Theo Sở TN&MT Đắk Nông, toàn tỉnh có trên 160 điểm và mỏ khoáng sản. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo ra nguồn nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, góp phần thu ngân sách...
Đắk Nông tăng cường phối hợp với các địa phương trong quản lý khai thác cát trên sông Krông Nô
Thời gian qua nhằm nâng cao công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình hành động về quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung: Các cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Đồng thời, tỉnh Đắk Nông cũng sẽ thường xuyên tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền vận động, phổ biến pháp luật sâu rộng cho cán bộ quản lý, công chức và các tầng lớp nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Định kỳ, các đơn vị phải báo cáo cơ quan thẩm quyền cấp trên về việc phát hiện, ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà các địa phương này được giao quản lý.
Hồng Hạnh
Bình luận