Hotline: 0941068156
Thứ hai, 16/09/2024 11:09
Thứ hai, 13/05/2024 14:05
TMO - Khoảng 30% dân số thế giới tương đương với 2,4 tỷ người đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng.
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho thấy, có khoảng 32% phụ nữ trên toàn thế giới phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng, so với 28% nam giới. Khoảng cách giới trong an ninh lương thực và dinh dưỡng chỉ ngày càng gia tăng kể từ năm 2020. Do suy dinh dưỡng, khoảng 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị gầy còm, làm tăng nguy cơ tử vong lên tới 12 lần. Ngoài ra, 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chậm tăng trưởng và phát triển thấp còi do thiếu dinh dưỡng mãn tính.
Ảnh hưởng của nạn đói trên khắp thế giới rất sâu sắc và đa dạng. Nạn đói là mối đe dọa toàn cầu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trẻ em - đặc biệt là những trẻ trong 1.000 ngày đầu đời - có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, chậm tăng trưởng và thậm chí tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Phụ nữ mang thai có thể gặp các biến chứng bao gồm sảy thai, sinh non và thai phụ tử vong. Đói có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến dễ mắc bệnh tật, có khả năng gây tử vong cho người già hoặc những người mắc bệnh mãn tính.
Đói và mất an ninh lương thực cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc. Mất an ninh lương thực dẫn đến gia tăng căng thẳng, tăng huyết áp, trầm cảm, lo lắng và xung đột. Thiếu dinh dưỡng chất lượng có thể cản trở khả năng học tập và tiềm năng tương lai của trẻ, cũng như kéo dài chu kỳ này.
Yemen, Somalia là hai trong số những quốc gia đối mặt với khủng hoảng lương thực nghiêm trọng nhất thế giới.
Trước tình trạng trên, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi các mối đe dọa đối với an ninh lương thực đang gia tăng trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng tại các điểm nóng về nạn đói.
Đứng đầu danh sách các nước đang đối mặt với khủng hoảng lương thực là Yemen, tiếp theo là Somalia. Đây là hai quốc gia đang hứng chịu tình trạng bạo lực kéo dài và quản lý kém hiệu quả, khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng đói ăn. Afghanistan và Haiti cũng nằm trong danh sách 5 quốc gia có nguy cơ cao nhất trên toàn cầu. Đáng chú ý, tình trạng mất an ninh lương thực cũng đang gia tăng ngay cả ở các quốc gia giàu có. Ở Anh, từ năm 2022 đến năm 2023, số trẻ em sống trong tình trạng thiếu lương thực gần như tăng gấp đôi, lên 4 triệu trẻ. Tại Australia, 3,7 triệu hộ gia đình gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực trong năm 2023.
Theo các cơ quan lương thực thế giới, nguồn cung các loại thực phẩm thiết yếu đang bị ảnh hưởng do sự gián đoạn trong dòng chảy thương mại nông nghiệp liên quan đến xung đột ở châu Âu và Trung Đông. Cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục tác động đến nguồn cung lúa mì, lúa mạch và dầu hướng dương toàn cầu. Trong đó, Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lớn. Cuộc khủng hoảng an ninh hàng hải ở Biển Đỏ cũng đã gây ra bất ổn tới những chuyến hàng thực phẩm qua kênh đào Suez.
Đồng thời, rủi ro an ninh lương thực ngày càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của thời tiết khắc nghiệt, mùa màng kém hiệu quả khiến các nhà sản xuất nông nghiệp lớn áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với các loại cây trồng chủ lực như gạo và hành tây. Dự báo, sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm do khí hậu sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn trong những năm tới. Nhiệt độ trái đất tăng lên do khí phát thải nhà kính đe dọa sản lượng nông nghiệp ở các quốc gia hiện chiếm 25% xuất khẩu thực phẩm của thế giới trong vòng 25 năm tới. Các vựa lúa mì lớn, bao gồm Brazil, Ấn Độ và Australia, nằm trong số những quốc gia phải đối mặt với rủi ro cao nhất.
Để đối phó với tình trạng báo động về mất an ninh lương thực, cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế, các quốc gia, tổ chức phi chính phủ và mỗi cá nhân. Các giải pháp nên tập trung vào tăng cường sản xuất lương thực bền vững, giảm thiểu lãng phí thực phẩm và hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Minh Vân
Bình luận