Hotline: 0941068156

Thứ ba, 26/11/2024 05:11

Tin nóng

Hoà Bình: 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Đa cổ thụ ở Phú Xuyên được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Thứ ba, 26/11/2024

Khát vọng “xanh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiền đề phát động "Tết trồng cây"

Thứ năm, 26/01/2023 20:01

Lúc còn ở tuổi thanh thiếu nhi (từ năm 1890 đến năm 1911), Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành gắn bó mật thiết với cảnh quan, môi trường thiên nhiên của quê hương, đất nước; khi ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân (từ năm 1911 đến năm 1941), Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã gắn bó mật thiết với cảnh quan, môi trường thiên nhiên các nước: Cộng hoà Pháp, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, một số nước châu Phi, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan…; khi trở về Tổ quốc để lãnh đạo cách mạng Việt Nam (từ năm 1941 đến năm 1954), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã gắn bó mật thiết với cảnh quan, môi trường thiên nhiên ở Pác Bó, Cao Bằng; Thủ đô Kháng chiến tại Thái Nguyên và Tuyên Quang; khi ở thủ đô Hà Nội để lãnh đạo Nhân dân ta thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh thống nhất nước nhà (từ năm 1954 đến năm 1979), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn bó với cảnh quan, môi trường thiên nhiên của nhiều tỉnh/thành miền Bắc.

Chính sự gắn bó như máu thịt với cảnh quan, môi trường thiên nhiên trong nước và nước ngoài đã hình thành lên tình yêu sâu đậm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới. Tình cảm đó đã truyền năng lượng tích cực và cảm hứng sáng tạo để hình thành nên khát vọng xanh – Khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam xanh tươi bền vững của Hồ Chủ tịch.

Khát vọng xanh – Khát vọng xây dựng Tổ quốc Việt Nam xanh tươi bền vững không chỉ là ý tưởng, ước mơ, hoài bão, ước vọng, mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là ý chí son sắt của Người trong tổ chức thực hiện.

“Mùa xuân là Tết trồng cây, Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. (Ảnh tư liệu)

Khát vọng làm cho Tổ quốc Việt Nam xanh tươi bền vững của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được kết tinh thành tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về bảo vệ, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên con người, tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khí hậu, tài nguyên rừng, tài nguyên biển và tài nguyên khoáng sản của đất nước. Người luôn cho rằng, các loại tài nguyên của Tổ quốc là tài sản vô giá, mọi người dân phải có trách nhiệm vừa xây dựng, vừa bảo vệ để tài nguyên thiên nhiên phát triển bền vững cho hôm nay, cho mai sau và cho mãi mãi sau này.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lý luận, một triết gia, triết học, nhà giáo dục, nhà hoạt động môi trường, nhà hoạt động xã hội vĩ đại. Người có những quan điểm minh triết, sáng tạo về mối quan hệ giữa hai yếu tố môi trường sống của con người được thể hiện qua câu nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Quan điểm trên là sự kết tinh có chọn lọc từ nhận thức, thái độ và hành vi của Người đối với sự phát triển bền vững đất nước. Chính từ sự sát sao, luôn học hỏi, suy ngẫm, triêm nghiệm, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra quy luật bất biến về mối quan hệ giữa môi trường thiên nhiên trong lành với môi trường xã hội lành mạnh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến vấn đề trồng cây và bảo vệ môi trường thiên nhiên. Trong nhiều bài viết, bài nói chuyện, Người thường xuyên kêu gọi Nhân dân phải trồng cây vì môi trường thiên nhiên xanh tươi. Khi nói chuyện với thanh niên trong buổi trồng cây tại vườn hoa Thanh niên, Bác Hồ khuyến khích thanh niên: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng ba cây, chăm sóc cho thật tốt, thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây” và  Người nói lên khát vọng xanh của mình: "Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội – Mát-xcơ-va thì con đường từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản thêm xanh tươi".

Ngày 30/5/1959, với bút danh Trần Lực, Bác Hồ viết bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”. Người khuyên nông dân: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Và “mỗi gia đình nên trồng một bụi tre”. Lời khuyên của Bác Hồ ngắn gọn, ân cần, cụ thể, mà bất kỳ người nông dân nào của nước ta cũng hiểu, cũng có thể làm theo. Trong Lời kêu gọi đồng bào nông dân thi đua sản xuất và tiết kiệm năm 1956, Người chỉ rõ: “Khai thác gỗ đi đôi với tu bổ và bảo vệ rừng; chú ý trồng cây gây rừng ở bờ biển”. Người giải thích rõ “Công cuộc xây dựng lại đất nước ngày nay như đào một cái giếng uống nước, trồng cái cây ăn quả: Người đào giếng phải chịu khát rồi mới có nước. Người trồng cây phải cố gắng vun trồng thì cây mới chóng có quả”.

Từ khát vọng xanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào “Tết trồng cây”. Trong toàn bộ những tác phẩm của mình, Người đã nhắc tới cụm từ “trồng cây” 147 lần, “Tết trồng cây” với 46 lần; đặc biệt 5 năm liền Bác Hồ viết 5 bài cùng tên “Tết trồng cây”, với những tư tưởng đặc sắc về lợi ích của việc trồng cây phủ xanh đất nước.

 Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Người viết bài “Tết trồng cây”: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ cho Tết trồng cây". Người phân tích “Mỗi tết trồng độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến năm 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất) chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Bây giờ, mỗi khi đọc bài báo “Tết trồng cây”, chúng ta đều cảm thấy hình ảnh Bác Hồ với đôi dép cao su và bộ quần áo kaki giản dị, ngồi bàn bạc với dân, nói cho dân biết, làm cho dân hiểu, gợi ý cho dân bàn, hướng dẫn cho dân tự nguyện làm công việc ích nước, lợi nhà – Đó là trồng cây, và cũng như thấy hình ảnh Người trực tiếp trồng cây ở nơi này, nơi khác.  Mặt khác, thông qua lời kêu gọi trồng cây, Người còn có ý tưởng biến việc làm đó thành phong trào thi đua yêu nước lâu dài trong Nhân dân và muốn kết nối giữa các thế hệ người Việt Nam, ai cũng có thể tham gia trồng cây: “Miền Bắc ta có độ 14 triệu, trong số đó 3 triệu là trẻ em thơ ấu, còn 11 triệu người từ tám tuổi trở lên đều có thể trồng cây”. Cụ thể hơn, Người đề xuất: “Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người – từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”.

Sáng ngày 11/1/1960, Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Để rồi từ đó, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Bác Hồ thường tham gia cùng Nhân dân trồng cây. Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu, nhưng Người vẫn đến chúc Tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến hiệu quả trong vận động Nhân dân trồng cây xanh, đó là trồng cây phải chăm sóc, bảo vệ để cây xanh tốt. Trong một lần đến thăm và nói chuyện với Nhân dân xã Đại Nghĩa, Hà Đông, Người căn dặn: “Phải tiếp tục trồng cây. Trồng cây phải chú ý đến chăm sóc, trồng cây nào sống cây ấy. Trồng ít, trồng vừa mà cây nào sống cây ấy, còn hơn trồng nhiều mà có nhiều cây chết. Nếu mỗi năm, mỗi người trồng 4 cây, trong 5 năm sẽ có đủ gỗ để làm nhà, đóng giường, bàn, ghế, làm công cụ, sẽ có nhiều cây ăn quả hơn”. Lần khác, khi nói chuyện với cán bộ và Nhân dân tỉnh Thái Bình, Bác Hồ chỉ rõ: “Một việc rất quan trọng nữa là phải trồng cây gây rừng. trồng cây nào phải tốt cây ấy. Trồng 100 cây mà sống cả, tốt cả thì hơn trồng 1.000 cây chỉ sống được 90 cây”.

Thực hiện khát vọng xanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày nay, trên khắp mọi miền của đất nước, sau những ngày Tết cổ truyền của dân tộc là “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Tết trồng cây đã trở thành một phong tục đẹp của dân tộc, mở đầu cho một năm trồng cây, theo đúng ý nguyện của Bác Hồ. Tết trồng cây sẽ góp phần quan trọng vào phong trào thi đua thực hiện kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động. 

Khát vọng xanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là trồng cây xanh, mà khát vọng đó còn hướng đến việc bảo vệ rừng. Khi nói về tài nguyên rừng, Người chỉ rõ: “Rừng là vàng nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Hàm ý sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn làm cho mọi người dân hiểu được ý nghĩa to lớn của rừng là vàng – cung cấp nguyên liệu, vật liệu cho đời sống của con người và là tấm lá chắn vững chắc chống gió bão, sóng biển, hạn hán, cát xâm lấn, lũ ống, lũ quét, lở đất…Cùng với việc nhắc nhở phải hiểu rõ tầm quan trọng của rừng, nó là thứ vàng quý hiếm của quốc gia, Bác Hồ còn nhắc nhở phải bảo vệ và xây dựng thì thứ vàng ấy mới phát triển một cách bền vững.

Ngay cả trước khi trở về cõi vĩnh hằng, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn căn dặn phải tiết kiệm và phải trồng cây xanh: “Đồng bào mỗi miền nên chọn 1 quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”. Và: “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.

“Tết trồng cây” được duy trì và thực hiện hàng năm vào mùa xuân.

Khát vọng xanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng xuyên suốt, là thông điệp lâu dài, có giá trị vĩnh viễn, mang tính thời đại. Bởi vì, ngày nay, trên Thế giới và Việt Nam đều lấy ý tưởng “xanh” làm tiền đề để bảo vệ môi trường thiên nhiên, đảm bảo tính đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu “xanh” đã trở thành cam kết chính trị của Đảng, cam kết pháp lý của Nhà nước và hành động của toàn dân đối với phát triển bền vững môi trường thiên nhiên. Ngày nay, ở nước ta đang thực hiện phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, lối sống xanh, tiêu dùng xanh, con đường xanh, khu dân cư xanh, cơ quan và đơn vị xanh, trường học xanh, bệnh viện xanh, chợ xanh…

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo tài ba, nhà văn hoá kiệt xuất, nhà vận động quần chúng thiên tài đã truyền khát vọng xanh của mình thành khát vọng của Đảng, Nhà nước và toàn dân ta cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xanh tươi bền vững. Hồ Chủ tịch là người có khát vọng lớn lao nên đã nâng khát vọng của mình lên tầm vĩ đại. Người đã biến khát vọng xanh của cá nhân thành khát vọng của giai cấp, dân tộc và của Đảng, Nhà nước và toàn dân; biến khát vọng xanh của mình thành tư tưởng, đạo đức, phong cách sống hài hoà, tôn trọng thiên nhiên và luôn sống thân thiện với môi trường thiên nhiên. Khát vọng xanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng lan toả trong nước và quốc tế./.

 

 

TS. Nhà văn Trần Văn Miều

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline