Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Chủ nhật, 08/09/2024 08:09
TMO - Giấy bản là một sản phẩm được sử dụng thường xuyên trong đời sống, tín ngưỡng của đồng bào người Dao ở tỉnh Hà Giang nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.
Cách trung tâm thành phố Hà Giang hơn 60km, tại thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, có một nghề thủ công đã gắn bó lâu đời với đời sống của người dân nơi đây. Đó là nghề làm giấy bản của người Dao. Giấy bản là sản phẩm thủ công truyền thống được sử dụng thường xuyên trong đời sống của đồng bào người Dao. Kỹ thuật làm giấy bản cũng là một quy trình công phu, tỉ mỉ và độc đáo vẫn được người dân lưu giữ, bởi không chỉ là nét văn hóa truyền thống đặc sắc, nghề làm giấy bản còn giúp cho nhiều gia đình có thu nhập ổn định.
Không ai biết nghề làm giấy bản của người Dao có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó gắn với đời sống của họ từ nhiều đời nay. Nghề làm giấy bản xuất hiện như một điều thiết yếu bởi người Dao có văn hóa, có tiếng nói riêng, đặc biệt họ có chữ viết. Đây là một trong những yếu tố để nghề sản xuất giấy bản ở người Dao xuất hiện và phát triển.
Từ khi có giấy bản, người Dao đã biết cách sử dụng chúng vào việc ghi lại những lời hát, văn cúng, sách dạy học, sách cổ… Nhờ đặc tính dai và thấm mực, chữ viết trên giấy bản thường rất khó phai mà những tri thức liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, thơ ca truyền thống… của người Dao được lưu truyền qua nhiều thế hệ, ít mai một. Thông thường giấy bản được làm từ cây vầu, nứa, mai, trúc non, cọng rơm và vỏ cây dưỡng. Để làm giấy bản, người Dao chọn những cây nứa, vầu non mới dễ làm và chất liệu giấy đảm bảo chất lượng.
Giấy bản được làm thủ công, chủ yếu từ các loài cây rừng. Ảnh: TP.
Người Dao chọn những cây nứa, mai hoặc vầu non không bị sâu đục thân đem về chẻ nhỏ, sơ chế làm nguyên liệu, bột giấy tráng và phơi tạo thành sản phẩm giấy bản. Trong các nguyên liệu kể trên thì cây mai là cây nguyên liệu lấy được nhiều bột nhất bởi cây măng mai có thân to và nặng. Chỉ cần chặt vài cây măng non là có mẻ bột giấy đủ dùng trong một năm.
Tuy nhiên, nếu như cây măng mai cho nhiều bột giấy thì cây măng vầu lại được người Dao ưa dùng hơn, bởi giấy làm từ cây măng vầu có chất lượng, bảo đảm độ bền, đẹp. Thông thường, cứ vào cuối tháng Giêng đầu tháng 2 cho đến hết tháng 3 âm lịch, khi những cây măng vầu non bắt đầu ra lá cũng là lúc các gia đình lên rừng cố chặt được càng nhiều vầu non càng tốt. Bởi nếu chặt chậm vầu già đi sẽ không thể làm được giấy.
Giấy bản sau khi chế tác xong sẽ được đem đi phơi khô. Ảnh: KV.
Sau đó, mỗi đoạn vầu được chia ra từng đoạn dài khoảng 1m, chẻ thành 4 miếng rồi bó lại ngâm với nước vôi. Vầu phải ngâm nước vôi ít nhất là 2 tháng, sau đó được vớt ra ngâm trong nước sạch khoảng 30 ngày. Vầu sau khi ngâm ủ sẽ được cho vào bể có hình lòng máng dài khoảng 2m, rộng 1m và dùng chân nhồi vò cho đến khi thành bột.
Sau khi có được bột, người Dao đỏ cũng sẽ vớt bột giấy cho vào chậu hòa với nước lã một tỷ lệ nhất định, lượng nước và bột giấy ngang nhau, nếu cho nhiều nước quá bột giấy sẽ loãng, còn nếu cho ít nước bột giấy sẽ đặc. Tiếp theo, những người thợ lành nghề sẽ lấy phần cây bo đã ngâm với nước trước đó nửa tháng để tạo độ kết dính. Nước nhựa bo ấy khoắng với bột vầu tạo thành hỗn hợp màu nâu sẫm rồi mới cho vào khuôn.
Giấy bản đẹp là những tờ giấy bản vuông vắn, xếp thành từng thếp từ tuỳ theo kích thước cần sử dụng; giấy mỏng, có sắc vàng, độ xốp cao, dai, mịn, soi ra ngoài ánh nắng thấy rõ những sợi tơ và có hương thơm của cây rừng.
Giấy bản thành phẩm có độ dai, bền.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, nghề làm giấy bản thủ công của người Dao tại thôn Thanh Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2018.
Hiện nay, nghề làm giấy bản vẫn được người Dao lưu truyền trong đời sống cộng đồng cho hậu thế, nhưng số lượng người biết làm giấy bản không nhiều, vì vậy để bảo tồn, phát triển nghề làm giấy bản truyền thống của người Dao, chính quyền địa phương cần chú trọng phát triển và gắn với du lịch, tìm kiếm thị trường để sản phẩm có đầu ra ổn định, góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc.
Quỳnh Nga
Bình luận