Hotline: 0941068156
Thứ hai, 12/05/2025 16:05
Thứ bảy, 19/04/2025 06:04
TMO - Xác định rừng là nguồn tài nguyên quý, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Kạn đang đẩy mạnh phát triển ngành lâm nghiệp, cũng như công nghiệp chế biến theo hướng bền vững.
Thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chú trọng trồng rừng gỗ lớn, quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế và gắn với sinh kế người dân, tỉnh Bắc Kạn hướng đến mục tiêu hài hòa giữa khai thác hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái. Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, đến năm 2024, diện tích đất có rừng của tỉnh đạt gần 400.000ha, trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 264.000ha, rừng trồng hơn 130.000ha, đưa Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng của Bắc Kạn hiện đạt trên 73%, thuộc nhóm cao nhất cả nước, là nền tảng quan trọng cho định hướng phát triển lâm nghiệp xanh.
Trong khuôn khổ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2020-2025, tỉnh xác định đưa các sản phẩm từ rừng trồng trở thành ngành hàng chủ lực quốc gia. Đây là bước đi chiến lược nhằm tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Tại Khu Công nghiệp Thanh Bình – khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp đều hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, hình thành chuỗi giá trị khép kín từ trồng rừng đến chế biến sản phẩm.
Hằng năm, sản lượng gỗ ván dán, ván sàn và các sản phẩm đồ gỗ gia dụng đạt hàng chục nghìn mét khối. Đồng thời, hơn 200 tỷ đồng đã được đầu tư vào hệ thống đường lâm nghiệp, giúp giảm chi phí khai thác, vận chuyển và nâng cao hiệu quả sản xuất. Song song với đó, Bắc Kạn cũng đang nắm bắt cơ hội từ thị trường tín chỉ các-bon, một xu hướng kinh tế xanh đang phát triển mạnh mẽ.
Với hệ sinh thái rừng đa dạng, có khả năng hấp thụ lượng lớn CO2, tỉnh hoàn toàn có cơ sở để tham gia thị trường này. Do đó, từ tháng 6 đến tháng 11/2024, Hiệp hội Logistics Hải Phòng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) triển khai khảo sát tiềm năng tín chỉ các-bon giai đoạn 2025-2035. Kết quả cho thấy, tỉnh có thể tạo ra 6,7 – 8,5 triệu tấn CO2 từ các biện pháp như bảo vệ rừng tự nhiên, nâng cao năng suất rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh...
Đây là cơ sở để phát triển các chương trình tín chỉ các-bon rừng chất lượng cao, mở ra nguồn thu mới và góp phần cải thiện sinh kế cho người dân. Bên cạnh tiềm năng kinh tế, rừng Bắc Kạn còn sở hữu giá trị sinh thái và du lịch lớn. Tỉnh có gần 30.000ha rừng đặc dụng, gồm các khu như Vườn quốc gia Ba Bể (trên 9.000ha), Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ (trên 15.000ha), Khu bảo tồn loài – sinh cảnh Nam Xuân Lạc (gần 4.000ha)...
Những khu rừng này không chỉ có hệ sinh thái quý hiếm mà còn là điểm đến hấp dẫn cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch trong các khu rừng đặc dụng và hiện các Ban quản lý rừng đang thực hiện thủ tục cho thuê môi trường rừng theo quy định, kết hợp bảo tồn với phát triển kinh tế.
Công nghiệp chế biến gỗ tại Bắc Kạn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Kạn thông tin, kinh tế lâm nghiệp là ngành mũi nhọn của tỉnh, mỗi năm khai thác khoảng 350.000m³ gỗ nguyên liệu. Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, Mỹ, việc cấp chứng chỉ FSC là điều kiện cần thiết. Dự kiến đến cuối năm 2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 20.000ha rừng trồng đạt chứng chỉ FSC. Với tầm nhìn chiến lược và chính sách cụ thể, Bắc Kạn đang từng bước phát triển kinh tế rừng theo hướng xanh.
Nhằm mục tiêu ưu tiên thực hiện các dự án phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 872/QĐ-TTg ngày 19/8/2024 Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Quyết định số 872/QĐ-TTg nhấn mạnh ưu tiên thực hiện các dự án phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng phòng hộ đáp ứng yêu cầu bảo vệ phát triển rừng bền vững, đảm bảo sinh kế cho người dân; các dự án phát triển hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, an sinh xã hội, di tích lịch sử, quốc phòng, an ninh.
Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: Hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng logistics; hạ tầng thông tin, truyền thông; các dự án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; dự án liên kết theo chuỗi giá trị; dự án công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao trong các khu, cụm công nghiệp; dự án phát triển nguồn điện tái tạo; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng y tế; giáo dục, văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ…
Năm 2024, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan xảy ra bất thường, phức tạp như hạn hán, lũ quét, mưa đá, sạt lở..., đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) đã ảnh hưởng rất lớn, trực tiếp đến sản xuất nông, lâm nghiệp và đời sống người dân. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương, toàn tỉnh Bắc Kạn đã trồng được 5.260/3.485ha, đạt 150% kế hoạch giao, trong đó diện tích trồng rừng tập trung 3.873 ha, diện tích trồng cây phân tán 1.371 ha. Trong năm 2025, tỉnh Bắc Kạn đề ra chỉ tiêu trồng mới 3.500 ha rừng, trong đó trồng rừng phân tán 500 ha, trồng lại rừng sau khai thác và các chương trình, dự án 3.000 ha; nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Chăm sóc rừng trồng các năm 2022 - 2024 là 1.404,16 ha; sản lượng gỗ khai thác 370.000 m3.
Để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó phát triển kinh tế từ rừng theo hướng lâu dài, bền vững.
Tú Anh
Bình luận