Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ năm, 29/12/2022 20:12
TMO - Việt Nam đặt mục tiêu phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hệ thống điện quốc gia Việt Nam hiện đã có những bước phát triển vượt bậc, đảm bảo cung cấp đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được cải thiện, nâng cao. Theo thống kê, đến hết năm 2021, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đã đạt trên 78.120MW, hệ thống điện quốc gia đã có dự phòng công suất tuy không đồng đều cho tất cả các vùng, miền.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tiềm năng các nguồn thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nguồn nhiệt điện than gặp khó khăn trong huy động vốn do các cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu toàn cầu, nguồn nhiệt điện khí hoá lỏng có giá thành còn cao và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Trước thực trạng này, cần đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Đồng thời, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
(Ảnh minh hoạ)
Từ năm 2015, Chính phủ đã có chiến lược phát triển xanh hóa với biện pháp tăng cường nhiều hơn nữa điện năng lượng tái tạo. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược năng lượng tái tạo) nêu rõ mục tiêu: Tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo trong tổng điện năng sản xuất toàn quốc tăng từ khoảng 35% vào năm 2015 tăng lên khoảng 38% vào năm 2020; đạt khoảng 32% vào năm 2030 và khoảng 43% vào năm 2050” và đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời. Kết quả, đến cuối năm 2021, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (chưa tính thủy điện) đạt 27% tổng công suất toàn hệ thống.
Tại COP26, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thực hiện mục tiêu này Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia và Bộ Công Thương là đơn vị đảm trách chủ chốt thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng đến năm 2030, đó là chuyển đổi ngành năng lượng. Theo đó, Bộ Công Thương đang chủ trì hai Quy hoạch quốc gia quan trọng đó là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch Điện VIII) và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung căn bản của hai Quy hoạch này sẽ không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau năm 2030 và xem xét chuyển đổi các nhà máy điện than sang các nguyên liệu sạch hơn, đồng thời phát triển điện khí ở quy mô phù hợp, đáp ứng nguồn cung.
Huệ Chi
Bình luận