Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ sáu, 20/10/2023 11:10
TMO - Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Dương đã chỉ đạo khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 11 triệu kg quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và 152 triệu kg quặng sáng trị giá 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính 632 tỷ đồng.
Theo Bộ Công an, sau thời gian đấu tranh chuyên án để làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến và tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm, quặng sắt tại mỏ Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương, ngày 09/10/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 21 địa điểm khai thác, tập kết, kinh doanh và nhà riêng của các các đối tượng có liên quan tại tỉnh Yên Bái và 03 tỉnh, thành phố khác có liên quan; tạm giữ ước tính khoảng 13.715 tấn quặng đất hiếm và hơn 1.400 tấn quặng sắt.
Ngày 20/10, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương) và Nguyễn Văn Chính (Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng) về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, Đặng Trần Chí (Giám đốc Công ty Hợp Thành Phát), Phạm Thị Hà (Kế toán công ty); Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam) và Nguyễn Thị Hiền (kế toán công ty) cũng bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Quá trình điều tra ban đầu xác định, Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính đã chỉ đạo, tổ chức khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 11.000 tấn quặng đất hiếm có trị giá khoảng 440 tỷ đồng và hơn 152.000 tấn quặng sắt có trị giá khoảng 192 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính tổng số tiền khoảng 632 tỷ đồng.
Đất hiếm là loại khoáng sản có giá trị rất cao. (Ảnh minh họa)
Liên quan đến tình hình khai thác, buôn bán khoáng sản (đất hiếm), đước biết trước đó (30/6) Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị 5 địa phương (Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa) khẩn trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh về tình trạng buôn bán, khai thác trái phép đất hiếm. Trong văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá đây là hoạt động có tính chất phức tạp, giá trị khối lượng khoáng sản lớn. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh nêu trên trương chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Căn cứ vào bản đồ phân bố đất hiếm, Việt Nam là quốc gia sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Dự báo, tổng trữ lượng đất hiếm của nước ta lên tới khoảng 22 triệu tấn; tập trung ở các địa phương như: Nậm Xe, Đông Pao, tỉnh Lai Châu; Yên Phú thuộc tỉnh Yên Bái và trong quặng sa khoáng Titan dọc các địa phương ven biển thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, có vai trò quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao, như: Điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang. Được biết, đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đến đất hiếm. Đất hiếm thậm chí còn được coi là vàng, là nguyên tố của tương lai.
LÊ HÙNG
Bình luận