Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 13:01
Thứ hai, 23/05/2022 21:05
TMO - Những năm trở lại đây, tài nguyên nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước sẽ tạo điều kiện giúp khu vực này phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
ĐBSCL được đánh giá là một trong ba châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tình hình địa lý của ĐBSCL cho thấy khu vực này rất dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng, lũ lụt trong mùa mưa và thiếu nước trong mùa khô. Ngoài ra, sự thay đổi chế độ dòng chảy trong sông sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới phạm vi xâm nhập mặn tại khu vực này.
Tài nguyên nước tại khu vực ĐBSCL đang có nhiều biến động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tác động dòng chảy từ thượng nguồn
Cùng với đó, áp lực từ việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội sẽ kéo theo hàng loạt những thách thức từ chính nội tại vùng ĐBSCL như gia tăng lũ, xâm nhập mặn vào sâu, khai thác nước quá mức, ảnh hưởng môi trường nước và suy giảm đa dạng sinh học.
Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên nước trong quá trình phát triển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, chương trình, dự án cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nổi bật là Nghị quyết số 24/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và mới đây nhất là Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến 2030, tầm nhìn 2045.
Theo các chuyên gia, việc lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long sẽ góp phần cân bằng giữa lượng nước có thể khai thác và nhu cầu sử dụng nước trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và do khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu. Mặt khác, bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; hạn chế tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước….
Khai thác, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội
Theo báo cáo của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia hiện nay, lưu vực sông Cửu Long có diện tích khoảng 39.945 Km2, chiếm 5% diện tích lưu vực sông Mê Công. Vùng quy hoạch bao gồm 13 tỉnh/thành phố với diện tích 39.945 km2. Nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long rất phong phú, chiếm 57% tổng lượng của cả nước với tổng lượng dòng chảy năm trung bình nhiều năm khoảng 500 tỷ m3, trong đó có đến 475 tỷ m3 từ nước ngoài, nội sinh chỉ khoảng 25 tỷ m3 chiếm 5% tổng lượng dòng chảy.
Cụ thể, đến năm 2030 sẽ bảo đảm phân bố công bằng, hợp lý lượng nước có thể khai thác với các nhu cầu sử dụng nước có xét đến sự biến động nguồn; Kiểm soát được các nguồn xả thải tập trung và phục hồi các nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, duy trì được hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước; Kiểm soát được tình trạng sạt lở bờ sông, tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước.
Tiếp đến năm 2050 sẽ chủ động được nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, ưu tiên phân bổ nguồn nước cho các đối tượng sử dụng nước có hiệu quả kinh tế cao và sử dụng nước tái tạo; bảo vệ hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước và cảnh quan môi trường các dòng sông; phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.
Các địa phương thực hiện trữ nước bằng nhiều phương pháp, nhằm duy trì sự ổn định trong sản xuất nông nghiệp
Cùng với việc lập quy hoạch lưu vực chung, các địa phương tại khu vực ĐBSCL cũng cần triển khai những giải pháp về bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước trên địa bàn, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Các chuyên gia cũng kiến nghị tăng cường nghiên các giải pháp trữ lượng vào mùa khô phục vụ cho phát triển bền vững tại ĐBSCL. Đồng thời, cần triển khai hệ thống quản lý điều hành tác nghiệp thời gian thực, phục vụ giám sát, quy hoạch, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước tại khu vực.
Đồng bằng sông Cửu Long đóng một vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế Việt Nam, là trung tâm xuất nhập khẩu cho ngành nông nghiệp của đất nước. Khu vực này đất có độ phì nhiêu cao, là nơi sản xuất, xuất khẩu gạo, trái cây, cá và các sản phẩm nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước cũng như trong khu vực. Vì thế, việc đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước tại khu vực này được coi là yêu cầu cấp thiết.
Thanh Hoa
Bình luận