Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 00:11
Thứ tư, 14/12/2022 04:12
TMO - Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và làm cơ sở cho các nhà đầu tư trong việc tiếp cận dự án phát triển vật liệu xây dựng, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Kế hoạch được triển khai nhằm tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh. Nghiên cứu phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm vật liệu xây dựng mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đưa công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất vật liệu xây dựng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội tỉnh, trong khu vực và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng GRDP, nâng cao vị thế của ngành vật liệu xây dựng trong nền kinh tế. Từng bước loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.
Trong đó, giải pháp khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm là tăng cường công tác điều tra cơ bản đối với các chủng loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; thực hiện cấp phép đúng theo quy hoạch được duyệt, tuân thủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường ở các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện đấu giá và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gắn khai thác khoáng sản với chế biến khoáng sản; chỉ đạo thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, đồng thời ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.
Nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn, đòi hỏi ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh: Minh Đăng
Tổ chức thanh, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất các cơ sở khai thác theo quy hoạch được duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; hạn chế, tiến đến không sử dụng đất canh tác nông nghiệp để sản xuất gạch, ngói nung, nâng mức phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên với việc khai thác đất sét sản xuất gạch, ngói; hình thành các khu vực, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng theo quy hoạch, cơ sở chuyên gia công chế biến nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.
Đồng thời, sử dụng tro xỉ nhiệt điện, luyện thép làm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, thay thế cho một số nguyên liệu chính trong sản xuất vật liệu xây dựng như: gạch đất sét nung, xi măng, cát, cốt liệu, bê tông làm vật liệu san lấp tạo thành nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, bền vững cho phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với quy hoạch, hồ sơ môi trường; kiểm soát chặt chẽ công tác xây dựng, thực hiện phương án cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác mỏ, xác định mức ký quỹ phù hợp, đảm bảo việc cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác.
Đồng thời, chủ trì thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng và hướng dẫn các nhà máy sản xuất lắp đặt hệ thống giám sát môi trường trực tuyến; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng siết chặt hoạt động khai thác đảm bảo phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Yên, việc quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có 55 mỏ cát xây dựng (hơn 840ha), đá xây dựng 75 mỏ (hơn 879ha), đất, cát san lấp 83 mỏ (hơn 632ha).
Về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và nguyên liệu sản xuất xi măng) gồm 6 loại khoáng sản, trong đó: Vàng 1 mỏ (hơn 33ha), đá ốp lát 27 mỏ (hơn 363ha), diatomit 2 mỏ (hơn 80,7ha), fenspat 1 mỏ (32,3ha), bauxit 1 mỏ (51ha), sét bentonit 1 mỏ (2,7ha).
Nhằm nâng cao công tác quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, việc tăng cường phối hợp các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, nhất là kiểm tra đột xuất giữa các đơn vị chức năng được UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo sát sao. Trong đó, việc quản lý hiệu quả thuế trong khai thác khoáng sản sẽ góp phần tạo nguồn ngân sách ổn định, tạo điều kiện tái cơ cấu đầu tư, xây dựng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại tỉnh.
Thu Trang
Bình luận