Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ ba, 20/09/2022 11:09
TMO - Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển cây dược liệu, tỉnh Hà Giang đang nỗ lực hướng tới mục tiêu trở thành vùng trọng điểm Quốc gia về dược liệu.
Hà Giang hiện có trên 1.560 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ; chiếm hơn 39% số loại dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp quốc gia. Từ định hướng phát triển cây dược liệu của tỉnh, mỗi địa phương cũng chủ động thực hiện nhiều biện pháp. Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất dược liệu, có chính sách hỗ trợ và đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đến đầu tư trồng, chế biến dược liệu
Nhằm khai thác lợi thế từ cây dược liệu, giai đoạn 2015-2020, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định: “Tập trung đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu, phấn đấu xây dựng Hà Giang trở thành tỉnh trọng điểm Quốc gia về cây dược liệu”. Trong đó, phát triển dược liệu gắn với giảm nghèo bền vững được xác định là một trong những nội dung trọng tâm nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ năm 2015 đến nay, đã hỗ trợ giống, phân bón, lãi suất vốn vay; hỗ trợ tập huấn cho người dân với số tiền gần 17 tỷ đồng; hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho hai doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển cây dược liệu.
Vùng trồng dược liệu tại huyện Quản Bạ đẩy mạnh phát triển các loại dược liệu như: đan sâm, kim quy, giảo cổ lam...
Chỉ tính riêng năm 2021, tỉnh thực hiện ba đề tài, dự án cấp tỉnh; hai đề tài, dự án cấp bộ về dược liệu với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng, đến nay Hà Giang đã có hơn 17.700 ha cây dược liệu. Từ đó, số lao động địa phương tham gia trồng, phát triển dược liệu lên đến hơn 13 nghìn người. Tỉnh cũng đã thu hút khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu. Năm 2021, doanh thu từ sản xuất, chế biến dược liệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã là gần 7 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh Hà Giang đã ký kết với hơn 20 doanh nghiệp dược liệu lớn trong nước; hỗ trợ nhiều mô hình khởi nghiệp từ cây dược liệu của thanh niên Hà Giang. Trong 3 năm vừa qua, có rất nhiều sản phẩm dược liệu của tỉnh Hà Giang đạt 3, 4 sao trong Chương trình OCOP…
Dược liệu trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều nhất phải kể đến các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Xín Mần, Đồng Văn. Trong đó, tại huyện Xín Mần, thảo quả và quế là 2 loại cây dược liệu chủ đạo. Trong đó, tổng diện tích cây thảo quả là hơn 3.500 ha, được bà con trồng dưới tán rừng tự nhiên và dưới tán cây tống quán sủ, tập trung ở các xã Nấm Dẩn, Nàn Xỉn, Xín Mần, Thu Tà; tổng diện tích cây quế xấp xỉ 1.000 ha tập trung ở 3 xã Khuôn Lùng, Nà Chì và Quảng Nguyên. Ngoài ra, Xín Mần còn phát triển thêm một số cây dược liệu có quy mô từ 50 - 300 ha, như: Gừng, nghệ, mướp đắng rừng, sa nhân, ý dĩ, đương quy…
Tại huyện Quản Bạ năm 2021, tổng doanh thu từ dược liệu của địa phương này đạt trên 120 tỷ đồng từ (từ thảo quả (khoảng 50 tỷ đồng) và giảo cổ lam, ấu tẩu, hương thảo, hà thủ ô... (khoảng 70 tỷ đồng). Trồng, phát triển cây dược liệu được huyện Đồng Văn xác định là một trong những cây chủ lực và là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của huyện cũng như xu hướng phát triển của xã hội.
Theo ngành chức năng của tỉnh Hà Giang, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay trong việc khơi dậy tiềm năng và lợi thế của ngành dược liệu ở Hà Giang là tỉnh vẫn chưa ban hành quy chế quản lý giống dược liệu, các quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cho từng loại dược liệu mang tính đặc thù của địa phương nên việc xây dựng kế hoạch cũng như việc triển khai các quy định liên quan gặp khó khăn.
Các cơ sở sản xuất giống dược liệu ở Hà Giang hiện nay phần lớn là gieo trồng từ hạt do người dân thu hái từ tự nhiên, chưa áp dụng được khoa học công nghệ vào sản xuất nên chất lượng và nguồn cung cấp giống chưa đảm bảo. Một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực dược liệu năng lực còn hạn chế, nên nhiều dự án còn hoạt động cầm chừng, hiệu quả chưa cao; sức cạnh tranh của các sản phẩm làm ra thấp.
Tỉnh Hà Giang chú trọng nâng cao chất lượng cây trồng dược liệu nhằm đảm bảo sự sinh trưởng ổn định
Thời gian tới, các ngành chức năng tại tỉnh Hà Giang tập trung thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung xác định vùng trồng đối với một số loài cây dược liệu chủ lực, bổ sung cơ chế chính sách thu hút đầu tư trồng cây dược liệu.
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp có năng lực liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên gắn với xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường quản lý, giám sát sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Để nâng cao chất lượng cây trồng dược liệu, tỉnh Hà Giang chú trọng áp dụng khoa học công nghệ trong tuyển chọn nhân giống, đảm bảo giống cây dược liệu có mức sinh trưởng nhanh, cho năng suất, sản lượng cao. Bên cạnh đó, phối hợp với các chuyên gia của các doanh nghiệp dược liệu, đội ngũ khuyến nông cơ sở tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cho người dân.
Cùng với việc xây dựng trung tâm giống cây dược liệu quý để sản xuất và cung cấp gống cho các địa phương khu vực Tây Bắc; thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục đẩy mạnh, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu. Trong đó, sẽ dành sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt cho những doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi, bao gồm: trồng, chế biến và tiêu thụ dược liệu.
Thùy Trang
Bình luận