Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ hai, 24/10/2022 12:10
TMO - Phát huy những lợi thế của vùng ven biển, trong những năm qua tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển tổng thể các ngành kinh tế biển, qua đó góp phần khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng đến năm 2021 diện tích tăng lên 76.530ha trong đó diện tích tôm nuôi nước lợ 53.000ha, sản lượng tôm thu hơn 183.200 tấn. Diện tích tôm nuôi nước lợ tập trung tại các huyện: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú và TX. Vĩnh Châu, trong đó tôm sú và tôm thẻ chân trắng là 2 đối tượng được nuôi chủ yếu. Tỉnh từng bước hình thành các vùng nuôi tôm quy mô lớn và chuyển dần hình thức nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao, từ đó sản lượng tôm nuôi tăng vượt trội so với nuôi tôm truyền thống.
Tại Sóc Trăng, nghề khai thác, đánh bắt trên biển không chỉ mang về nguồn lợi hải sản mỗi năm trên 60.000 tấn để cung cấp cho hoạt động chế biến và thương mại của tỉnh nhà, mà Sóc Trăng còn là 1 trong số 28 tỉnh, thành phố có biển và hoạt động đánh bắt xa bờ được xếp vào nhóm 15 cảng cá loại I của cả nước; kinh tế biển cũng được xác định là một lĩnh vực thế mạnh của tỉnh trong xu thế phát triển.
Để phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi đạt 342.300 tấn (tôm nước lợ 233.800 tấn, thủy sản khác 108.500 tấn), sản lượng khai thác thủy sản đạt 74.700 tấn...
UBND tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Phong
Với diện tích bãi bồi rộng và dài chạy dọc theo chiều dài bờ biển, cảng biển cửa ngõ của vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng với hạ tầng giao thông sớm được đồng bộ trong thời gian tới với tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi, tuyến đường bộ ven biển…là những điều kiện thuận lợi để Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, toàn tỉnh có 3 vùng phát triển điện gió gồm trên đất liền, khu vực bãi bồi ven biển và ngoài khơi.
Với lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong thời gian tới, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, tỉnh sẽ thu hút đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi tại huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu với tổng công suất dự kiến 5.100 MW. Cụ thể, điện gió ngoài khơi Cù Lao Dung có công suất 500 MW nằm trên khu vực biển huyện Cù Lao Dung; dự án điện gió ngoài khơi xã Vĩnh Tân có công suất 200 MW nằm trên khu vực biển xã Vĩnh Tân và Phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu.
Tỉnh Sóc Trăng tập trung khai thác lợi thế trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án điện gió ngoài khơi
Dự án điện gió ngoài khơi xã Vĩnh Hải có công suất 800 MW, tại khu vực biển xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu; dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Châu 1 với công suất 2.600 MW nằm trên khu vực biển xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu và dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Châu 2 với công suất 1.000 MW trên khu vực biển phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu.
Hiện toàn tỉnh có 18 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, 11 dự án đang triển khai thi công và 4 nhà máy đi vào vận hành thương mại với tổng công suất 110,8 MW. Dự kiến đến cuối năm nay, toàn tỉnh sẽ có thêm 7 dự án điện gió vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 320 MW.
Bên cạnh phát triển điện gió, tỉnh Sóc Trăng còn có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời. Số giờ nắng trong năm ở tỉnh Sóc Trăng khá cao, dao động từ 2.300 giờ - 2.480 giờ/năm. Bức xạ năng lượng mặt trời khoảng 4,8 - 5 kWh/m2/ngày. Tỉnh Sóc Trăng dự kiến, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 17 dự án điện mặt trời quy mô công nghiệp, với tổng công suất 975MWp.
Cùng với đó, Sóc Trăng còn có tiềm năng phát triển điện sinh khối, nhờ là địa phương có rất nhiều nguyên liệu như: bã mía, trấu, rơm rạ, chất thải rắn… Các chuyên gia đánh giá, bên cạnh giá trị kinh tế, điện sinh khối còn có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, địa phương này đang tập trung nghiên cứu Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cảng biển Sóc Trăng hiện là cảng biển loại III thuộc nhóm cảng biển số 5, quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại huyện Trần Đề.
Tổng diện tích quy hoạch cảng biển Sóc Trăng khoảng 108.000ha, trong đó: vùng đất quy hoạch bến cảng Trần Đề là 4.000ha phía bờ và 790ha tại khu bến ngoài khơi, các khu bến khác (Kế Sách, Đại Ngãi) là 50ha không bao gồm các nhà máy, khu công nghiệp liền kề; vùng nước cảng biển Sóc Trăng có tổng diện tích 103.000ha. Theo quy hoạch, cảng biển Sóc Trăng gồm 3 khu bến (Đại Ngãi, Kế Sách và Trần Đề).
Quy hoạch cảng biển được địa phương đẩy mạnh triển khai. Ảnh: TTX
Về quy hoạch bến cảng Trần Đề, chức năng sẽ phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo; có bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư. Tiềm năng phát triển phía ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cỡ tàu đến 5.000 DWT cho các bến sông; tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 DWT ngoài khơi cửa Trần Đề…
Theo kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới về tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển, nâng cao năng lực cán bộ quản lý biển, hải đảo, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo tại địa phương.
Tỉnh sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo hướng đa dạng về đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ vi sinh và bảo vệ môi trường nuôi bền vững; ưu tiên, đẩy mạnh khai thác thủy sản, hải sản ở những vùng biển xa bờ theo hướng công nghiệp, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy hải sản.
Tỉnh cũng tiếp tục phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng và du lịch khu vực cửa sông, ven biển; phát huy hiệu quả sử dụng đất bãi bồi khu vực ven biển, khu vực biển; điều tra, khảo sát, đánh giá các tiềm năng khoáng sản biển; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch cho các địa phương trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch tại các huyện, thị như Cù Lao Dung, Trần Đề, thị xã Vĩnh Châu; khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Trần Đề- Côn Đảo; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển.
Trần Trang
Bình luận