Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 04:11
Thứ ba, 25/10/2022 12:10
TMO - Cùng với các ngành kinh tế biển, tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ lợi thế biển của tỉnh. Địa phương này đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đưa vào vận hành 5 công trình điện gió hòa vào lưới điện quốc gia, qua đó góp phần phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên trong phát triển và đa dạng các nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Với bờ biển dài 65km, thềm lục địa nông sâu khác nhau phù hợp cho đầu tư phát triển điện gió. Tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để phát triển tiềm năng năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió, trong những năm qua, trên cơ sở quy hoạch phát triển năng lượng của tỉnh, tỉnh đã xúc tiến và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến khảo sát.
Cuối năm 2021, tỉnh Trà Vinh bắt đầu khai thác nguồn năng lượng sạch từ gió biển với 5 công trình điện gió đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia. Các công trình điện gió đã hòa vào lưới điện quốc gia có 79 trụ tuabin trải dài từ vùng biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải đến xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng, tổng công suất 322MW. Theo tính toán, các công trình này cung cấp nguồn năng lượng sạch với sản lượng điện khoảng 1.200 triệu kWh/năm, doanh thu đạt trên 1.300 tỷ đồng, nộp ngân sách 500 tỷ đồng.
Tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, thúc đẩy điện gió phát triển trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hải An
Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh cho biết theo kế hoạch, cuối năm 2022, tỉnh Trà Vinh có thêm 4 công trình điện gió hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia với tổng vốn đầu tư 15.428 tỷ đồng. Dự kiến khi đưa vào vận hành khai thác, hàng năm 4 công trình này sẽ cung cấp nguồn năng lượng sạch với sản lượng điện hơn 1.450 triệu kWh/năm, doanh thu khoảng 1.700 tỷ đồng, nộp ngân sách 700 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 450 lao động.
Tại tỉnh Trà Vinh, lượng bức xạ trung bình năm đo được tại khu vực duyên hải đạt từ 1.700 - 1.900 kWh/m2, bức xạ ngày trung bình hơn 4.9 kWh/m2. Địa thế nhiều giồng cát hình cánh cung làm cho vùng duyên hải Trà Vinh có điều kiện thuận lợi cho phát triển các dự án năng lượng mặt trời. Với lợi thế này, tỉnh Trà Vinh xác định rõ việc hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà là một trong những chủ trương quan trọng bởi đây là nguồn cung cấp điện hiệu quả, giải pháp thiết thực cho việc đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao.
Kiểm tra, rà soát các dự án điện mặt trời áp mái được UBND tỉnh chú trọng triển khai (Ảnh minh họa)
Hiện tại, UBND tỉnh Trà Vinh đang kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận bổ sung các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện khí trên địa bàn tỉnh với tổng công suất hơn 46.500MW vào Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Cùng với nguồn năng lượng điện gió, mới đây UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh, tại xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú. Dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh có quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 11 ha và 0,6 ha mặt nước. Nhà máy điện sinh khối sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng lò hơi đốt ghi xích với công suất thiết kế của nhà máy 25MW. Dự kiến, dự án sẽ khởi công xây dựng từ quý 2/2023 và thời gian vận hành thương mại nguồn năng lượng tái tạo vào quý 1/2025.
Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tại Chương trình phát triển kinh tế biển giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phấn đấu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 46.500 MW, trong đó: Điện gió: Công suất 33.787 MW (giai đoạn 2021 - 2030 là 4.587 MW, giai đoạn 2031 - 2045 là 29.200 MW); Điện mặt trời: Công suất 7.587 MW (giai đoạn 2021 - 2025 là 4.587 MW, giai đoạn 2026 - 2045 là 3.000 MW); Điện khí: Công suất 5.000 MW (giai đoạn 2021 - 2030 là 2.000 MW, giai đoạn 2031 - 2045 là 3.000 MW); Điện sinh khối: Công suất 110 MW (giai đoạn 2031 - 2035); Điện rác: Công suất 21,13 MW (giai đoạn 2031 - 2035).
Phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trên vùng biển của tỉnh phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát huy tối đa tiềm năng sử dụng đất bãi bồi ven biển; đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ môi trường, phát triển rừng và du lịch sinh thái biển, ven biển.
Lê Hồng
Bình luận