Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ bảy, 15/10/2022 12:10
TMO - Việc rà soát hiện trạng, đánh giá hiệu quả từ đó đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng công trình nước sạch đã đầu tư, nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch là vấn đề cấp thiết được UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với các địa phương tập trung triển khai.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Đồng Nai có tỷ lệ số dân nông thôn được cấp nước sạch đạt chất lượng nước sinh hoạt là 83%. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung vẫn còn thấp, đến nay chỉ đạt 27%.
Tính đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh có 88 công trình cấp nước nông thôn (tăng 5 công trình so với năm 2021); trong đó, có 56 công trình đang hoạt động với công suất bình quân đạt 50% so với thiết kế, 26 công trình cấp nước nông thôn đã ngưng hoạt động, còn lại công trình mới đầu tư hoặc mới nâng cấp, sửa chữa đang trong giai đoạn hoàn thiện, nghiệm thu, bàn giao.
Tỉnh Đồng Nai triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tiếp cận nước sạch của người dân khu vực nông thôn (Ảnh minh họa)
Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình cấp nước đạt hiệu quả cao như nhà máy cấp nước Núi Le, thị trấn Gia Ray, huyện Định Quán, nhà máy cấp nước Tâm - Hưng – Hòa xã Xuân Tâm huyện Xuân Lộc, công trình cấp nước nông thôn xã Phú Vinh huyện Định Quán, công trình cấp nước xã lộ 25, huyện Thống Nhất, công trình cấp nước xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, công trình cấp nước sinh hoạt ấp Chợ, xã Suối Nho huyện Định Quán.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều công trình cấp nước đạt hiệu quả thấp, có quy mô, công suất nhỏ do cộng đồng, hợp tác xã, tư nhân quản lý, vận hành, cung cấp nước cho những khu, cụm dân cư. Công trình không được duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên dẫn đến nhanh xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo.
Ngoài ra, tại một số khu vực nông thôn, người dân vẫn sử dụng đồng thời 2 nguồn nước (nguồn nước giếng khoan, giếng đào và nước từ công trình cấp nước tập trung), dẫn đến một số công trình không đạt công suất thiết kế, do người dân chỉ sử dụng nước từ công trình vào mùa khô, mùa mưa thường không sử dụng. Bên cạnh đó, giá nước sạch nông thôn vẫn còn cao so với thu nhập, dẫn đến một số hộ dân chưa quan tâm nhiều đến sử dụng nước sạch.
Trước đó, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Thủy lợi tỉnh cùng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với 9 huyện và TP.Long Khánh rà soát thống kê công trình cấp nước nông thôn đã đầu tư, phân loại hiệu quả và nghe kiến nghị địa phương, trên cơ sở đó báo cáo UBND tỉnh hiện trạng và đề xuất giải pháp cải thiện hiệu quả.
Theo đó, đối với 56 công trình đang hoạt động, Sở NN&PTNT tiến hành đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: thu phí dịch vụ đủ bù đắp phí vận hành, bảo trì; nước sau xử lý đạt quy chuẩn; khả năng cấp nước thường xuyên trong năm; công suất thực tế so với thiết kế sau 2 năm vận hành; đội ngũ quản lý vận hành. Từ đó lập kế hoạch, lộ trình và bố trí kinh phí nâng cấp, bổ sung thiết bị xử lý.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương đánh giá nhu cầu và đề xuất triển khai công trình cấp nước nông thôn mới cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng chịu tác động nhiều của biến đổi khí hậu để đảm bảo đến năm 2025 tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn đạt 85%.
Trên cơ sở giám sát hoạt động của các công trình nước sạch nông thôn, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh các giải pháp nâng cao hiệu quả các công trình này. Ảnh: H. Lộc
Sở NN&PTNT Đồng Nai đề xuất tỉnh xây dựng các công trình cấp nước quy mô lớn thay thế công trình cấp nước cũ, hư hỏng, xuống cấp. Ưu tiên sử dụng và đầu tư mở rộng các công trình sử dụng nước mặt, hạn chế sử dụng nước ngầm. Một số công trình quy mô nhỏ được xây dựng đã lâu (trên 15 năm) đến nay hư hỏng, xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo, việc tiếp tục đầu tư nâng cấp sẽ không hiệu quả.
Các khu vực có tuyến ống chính cấp nước đô thị đi qua đấu nối, mở rộng các tuyến ống nhánh đến các khu vực dân cư. Ưu tiên cấp nước cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn, vùng cạn kiệt nguồn nước, vùng kinh tế xã hội khó khăn, các vùng tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch còn thấp, vùng phát triển mạnh làng nghề.
Để bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung sẽ dựa theo đề án “Cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025” của UBND tỉnh đã được phê duyệt. Kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.686 tỷ (trong đó xã hội hóa khoảng 606 tỷ). Hướng đến xây dựng mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đảm bảo thực hiện đấu nối, cung cấp nước sạch đến các khu vực nông thôn chưa có hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân.
Sở NN&PTNT kiến nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nước các công trình cấp nước trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đăng ký sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước nông thôn. Tổng hợp nhu cầu, phạm vi cấp nước của từng xã để phối hợp với các đơn vị cấp nước trên địa bàn đấu nối, lắp đặt các tuyến ống nhánh, lắp đặt đồng hồ nước cho người dân. Kiểm soát, ngăn chặn khoan giếng ở những khu vực cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất.
Thu Trang
Bình luận