Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Chủ nhật, 23/04/2023 06:04
TMO - Tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, qua đó nâng cao giá trị và phát triển sản phẩm xoài Đồng Tháp, hướng đến mục tiêu phát triển ngành hàng xoài bền vững.
Xoài là một trong 5 ngành hàng phát triển chủ lực tại tỉnh Đồng Tháp. Địa phương này hiện có 14.000 ha trồng xoài, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh. Các giống xoài chủ lực gồm: Cát Chu, Cát Hòa Lộc, Tượng da xanh. Để có nguồn xoài ổn định, Đồng Tháp tổ chức vùng chuyên canh trồng xoài cát Chu và cát Hòa Lộc. Xoài cát Chu chiếm 60% diện tích, xoài cát Hòa Lộc chiếm 30%, trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu xoài, toàn tỉnh có gần 8.228 ha xoài đăng ký mã số vùng trồng, với 296 mã số; 09 cơ sở đóng gói trên địa bàn đã đăng ký mã số cơ sở đóng gói; 33 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận VietGAP trên cây xoài, với diện tích 353 ha.
Năm 2019, lần đầu tiên trái xoài Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã mở ra tiềm năng lớn cho ngành hàng xoài Đồng Tháp nói riêng và trái xoài Việt Nam nói chung. Ngoài Mỹ, trái xoài tươi Đồng Tháp còn được xuất sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand... đặc biệt Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sản lượng xoài khá lớn. Tháng 2/2022, UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố xuất khẩu lô xoài đầu năm 2022 của Đồng Tháp sang thị trường Châu Âu (Hà Lan), với số lượng 03 tấn xoài Cát Chu. Ngoài sản phẩm tươi, hiện nay nhiều doanh nghiệp, cơ sở trong tỉnh đẩy mạnh khâu chế biến xoài. Nhiều nhất là xoài sấy dẻo, kế đến rượu xoài, kem xoài, bánh phồng xoài v.v.. Xoài Cao Lãnh còn là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh Đồng Tháp chú trọng đến công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ ngành hàng này.
Kế hoạch phát triển ngành xoài tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, địa phương này hướng đến mục tiêu đến năm 2025 diện tích trồng mới, cải tạo vườn xoài già cỗi, kém hiệu quả là 4.450ha, với tỷ lệ 36% diện tích trồng xoài. Tỉnh tiếp tục lựa chọn 2 loại giống xoài chủ lực Cát Chu và Cát Hòa Lộc đưa vào sản xuất; phát triển nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh, tiếp tục ưu tiên các thị trường đã nhập khẩu xoài Việt Nam.
Đến năm 2025, có 11.000ha các vùng trồng và cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, đóng gói xoài xuất khẩu đều được cấp mã số, chiếm 100% diện tích đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng theo quy định. Phấn đấu đến năm 2025, các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán có diện tích trồng xoài đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), gắn truy xuất nguồn gốc, dán tem chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm xoài tươi, đạt 20%. Phấn đấu diện tích chuyển đổi sản xuất xoài hướng hữu cơ, xoài hữu cơ đến năm 2025 đạt 2%, tương đương diện tích 293ha.
Bên cạnh đó, phấn đấu ứng dụng đồng bộ công nghệ sau thu hoạch: vận chuyển, phân loại, cắt cuống, xử lý mủ, rửa, sấy khô và cuối cùng là dán nhãn; đóng gói, áp dụng công nghệ xử lý bằng hơi nước bảo hòa (xử lý côn trùng) và cấp đông siêu tốc bằng chất lỏng (cấp đông nguyên trái), giảm tổn thất sau thu hoạch ít nhất 20%, thời gian bảo quản có thể kéo dài đến 2 tháng. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu thu hút đầu tư mới nhà máy chế biến xoài và phế phụ phẩm xoài có công suất 30.000 tấn xoài/năm, cao gấp 5 lần so với năm 2020.
Tỉnh Đồng Tháp phát triển nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh sẽ tiếp tục ưu tiên các thị trường đã nhập khẩu xoài Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc); nghiên cứu thị trường chính ngạch của Trung Quốc, phân khúc thị trường xoài tại các nước EU và Hoa Kỳ, bước đầu sẽ tiếp cận với cộng đồng người Việt tại Hà Lan, Hoa Kỳ cùng với các quốc gia khác.
Ngoài ra, phát triển hệ thống hậu cần (logistic) phục vụ thương mại cho xoài và các loại nông sản khác gắn với chợ đầu mối trái cây tỉnh Đồng Tháp. Ngoài ra, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hệ thống vận chuyển, kho chứa lạnh và hệ thống xử lý, sơ chế trên cơ sở đề xuất yêu cầu và phương án kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, trung tâm phân phối và tiêu thụ nông sản tỉnh đặt tại các thành phố lớn cả nước.
Tỉnh Đồng Tháp xúc tiến tiêu thụ xoài vào các siêu thị TP.HCM. Ảnh: H.Tuyết
Từ ngày 28/4-1/5 tới đây, Lễ hội xoài Đồng Tháp năm 2023 được tổ chức nhằm tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu xoài. Đồng thời, quảng bá sản phẩm, thương hiệu “Xoài Cao Lãnh”, “Xoài Cát Chu Cao Lãnh”, xây dựng các Tour, tuyến tham quan, du lịch về xoài...
Tỉnh Đồng Tháp hiện phát triển xoài thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thông qua tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật vững bền tại vùng chuyên canh. Theo đó, mỗi năm địa phương sản xuất 183.000 tấn xoài, trong đó có 28% xuất khẩu sang Trung Quốc, 5% được tiêu thụ qua EU và phần còn lại được bán tại nội địa. “Tuần hàng xoài Đồng Tháp” ( 22/4 đến ngày 26/4/2023) được tổ chức tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op là hoạt động tích cực nhằm giới thiệu nông sản Đồng Tháp đến bà con cả nước vừa góp phần quảng bá Lễ hội xoài sẽ được tổ chức vào ngày 28/4 - hết 1/5 trên toàn tỉnh Đồng Tháp.
Trong thời gian này, bên cạnh việc đồng loạt trưng bày và trang trí đẹp mắt hơn hàng chục tấn các loại xoài ngon xuất xứ từ Đồng Tháp, các siêu thị còn tổ chức cho khách hàng ăn thử xoài tươi hoặc dùng thử các loại nước ép được chế biến từ xoài để cảm nhận được vị ngọt, thơm và hương vị đặc trưng của các loại xoài này. Ước tính có khoảng 60 tấn xoài Đồng Tháp sẽ được tiêu thụ qua hệ thống siêu thị này. Nhờ các chương trình xúc tiến qua kênh siêu thị, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh xây dựng, quảng bá hình ảnh, giới thiệu thương hiệu sản phẩm xoài Đồng Tháp đến người tiêu dùng.
Thanh Hoa
Bình luận