Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 03:01
Thứ bảy, 18/03/2023 06:03
TMO - Để không còn tình trạng giải cứu, được mùa mất giá, các địa phương phải thay đổi tư duy theo hướng “bán hành không chỉ là bán thực phẩm mà là bán nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhiều ngành hàng".
Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng diện tích sản xuất hành nước ta đạt khoảng 14 - 15 nghìn ha, tập trung tại các tỉnh (Sóc Trăng, Hải Dương, Ninh Thuận, Quảng Ngãi...); Trong đó, diện tích trồng hành tím tại Hải Dương đạt 5.700 ha, sản lượng 110 nghìn tấn và tại Sóc Trăng là 6.500 ha với sản lượng khoảng 90 nghìn tấn. Qua số liệu, có thể thấy tổng diện tích trồng hành tím ở phía Nam là khoảng 7.000 ha tập trung chủ yếu từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, gây áp lực cho bảo quản sau thu hoạch.
Cục Trồng trọt cũng nhấn mạnh tới một số khó khăn trong sản xuất hành hiện nay như manh mún, khó truy xuất nguồn gốc, thiếu tính liên kết; giá bán biến động, diện tích sản xuất có chứng nhận hạn chế, khó kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm; thiếu quy trình bảo quản, dẫn đến một số thời điểm thu hoạch rộ, bán hàng tươi số lượng lớn, dẫn đến giá xuống thấp; thiếu kênh liên kết tiêu thụ, và vấn đề sâu bệnh.
Bộ NN&PTNT cho biết, hành là sản phẩm lợi thế của rất nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi... với tổng sản lượng hàng năm trên 200.000 tấn. Thời điểm tháng 2,3 các vựa hành bước vào giai đoạn thu hoạch, do đó, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, theo thống kê, các tháng đầu năm 2023, sức mua của thị trường đang có xu hướng giảm, trong khi năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn đủ phục nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều này dẫn tới công tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, hành tím nói riêng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, xuất khẩu củ hành 2 tháng đầu năm 2023 mới đạt 240 tấn, đây là một con số rất nhỏ so với sản lượng hành 200 nghìn tấn/năm.
Tỉnh Sóc Trăng sẵn sàng tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hành phát triển các chuỗi liên kết để khai thác hết tiềm năng của sản phẩm hành tím. Ảnh: HT.
Là địa phương có sản lượng hành lớn nhất cả nước, Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết, hành tím là một trong những cây trồng đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, được trồng tại huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Tổng diện tích xuống giống hành tím hằng năm 6.500 ha, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng trên 90.000 tấn. Trong đó, diện tích trồng hành tím theo hướng hữu cơ (áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tăng cường sử dụng phân hữu cơ giảm phân hóa học) hơn 1.150 ha. Ngoài ra, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP là 10,8 ha/23 hộ tại tổ hợp tác lúa – màu Cà Lăng B, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu cho lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường 10-20 triệu/ha.
Hành tím Vĩnh Châu được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Indonesia, Malaysia,… đem về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Tuy nhiên, hành tím Vĩnh Châu trong thời gian qua đã và đang gặp phải những khó khăn ở khâu sản xuất và tiêu thụ do một số nguyên nhân như: thời vụ bố trí chưa hợp lý tại một thời điểm xuống giống tập trung với một diện tích lớn nên sản lượng tại một thời điểm tương đối cao.
Nông dân còn sản xuất riêng lẻ chưa hình thành hợp tác trong sản xuất dẫn đến mối liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự bền vững. Đặc biệt, nông dân còn mang nặng tâm lý chờ giá, khi giá thỏa thuận hợp lý với doanh nghiệp vẫn không bán dẫn đến khi giá giảm mạnh thì dẫn đến tình trạng tồn đọng. Ngoài ra, thời gian lưu trữ hành không được kéo dài vì thiếu kho trữ và công nghệ sau thu hoạch; chưa khai thác hiệu quả thị trường trong nước...
Tại tỉnh Nghệ An, địa phương này có sản lượng hành lá chiếm tới 90%, hiện tỉnh có diện tích chuyên canh trồng hành khoảng 300 ha, tương đương diện tích canh tác hàng năm xấp xỉ 1.000 ha/năm, với sản lượng đạt khoảng 15.000-20.000 tấn/năm. Hiện nay, huyện sản xuất hành quanh năm theo hình thức chuyên canh và luân canh với các loại rau khác, với vụ chính tập trung từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm chiếm 65-70% sản lượng. Hiện nay, sản phẩm hành hoa, hành lá được tiêu thụ theo bán sản phẩm tươi theo thu hoạch, giá bán phụ thuộc nhu cầu của thị trường từng thời điểm song có sự biến động lớn, dao động từ 2.000-10.000 đồng/kg.
Nghệ An đã hình thành vùng chuyên canh trồng hành lá khoảng 300ha, cần đẩy mạnh giải pháp tạo thuận lợi cho tiêu thụ.
Tại tỉnh Hải Dương, Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, tổng diện tích hành, tỏi của tỉnh hằng năm đạt trên 6.600 ha, trong đó, hành củ khoảng 5.800 ha, hành lá 350ha, tỏi củ 470 ha. Tổng sản lượng hành tỏi toàn tỉnh ước đạt 116.400 tấn (hành 110.000 tấn; tỏi 6.400 tấn). Đối với hành lá, tổng diện tích hành lá của toàn tỉnh Hải Dương cả năm đạt trên 350 ha. Hành lá được trồng và cho thu hoạch 4-5 lứa/năm. Sản lượng hành lá ước đạt gần 7.000 tấn/năm. Giá bán trung bình dao động từ 8.000-15.000 đồng/kg, có thời điểm 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sản xuất tiêu thụ hành của Hải Dương vẫn gặp nhiều khó khăn ở khâu chế biến và bảo quản. Hình thức bảo quản chủ yếu là thủ công, chưa có hệ thống kho bảo quản hiện đại nên tỷ lệ hoa hụt cao. Việc xây dựng chuỗi vẫn còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ trong nước, thiếu tính ổn định.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu hành, hẹ, tỏi của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 31,2 triệu USD, tăng gần 360% so với năm 2021. Trong đó đa phần là đi các thị trường châu Á, chiếm hơn 90%, sau đó là châu Mỹ, châu Âu và châu Úc. Tính riêng các quốc gia, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hành, hẹ, tỏi lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch năm 2022 là hơn 17 triệu USD, chưa kể kim ngạch của Đài Loan thêm 6,6 triệu USD nữa. Các thị trường xếp sau đó là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Lào, Nhật Bản, Myanmar…
Để công tác tiêu thụ sản phẩm hành, hành tím thuận lợi, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhấn mạnh: Các địa phương phải đánh giá lại tiềm năng, lợi thế của sản phẩm hành, hành tím; phải kể được những câu chuyện, giới thiệu được những thế mạnh riêng có của sản phẩm hành tím ở địa phương mình với thị trường. Từ đó, tự tin khẳng định thương hiệu và giá bán sản phẩm của mình.
Để phát triển thị trường, nhà sản xuất, xuất khẩu cần nghiên cứu thị hiếu, quy định của thị trường nhập khẩu để định hướng sản xuất, chế biến sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá để vừa giữ được thị trường truyền thống, vừa mở rộng thị trường mới. Các nhà sản xuất cũng cần lưu ý đến chế biến để tăng giá trị, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh liên kết để xây dựng các chuỗi giá trị cho ngành hàng.
Các doanh nghiệp, hiệp hội chủ động nghiên cứu thị trường, tìm kiếm và tiếp cận kênh phân phối trong và ngoài nước; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sản phẩm đáp ứng yêu cầu, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm và tận dụng ưu đãi từ các FTA. Các vùng trồng phải tổ chức lại sản xuất để chuẩn hóa về mặt chất lượng; phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ hành; hoàn thiện hệ thống logistic, kho bảo quản lạnh để chủ động trước sự biến động của thị trường; đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm hành địa phương; chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh; áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ hành để thuận lợi kết nối với các thị trường; tăng cường tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hành, hành tím.
Thu Hằng
Bình luận