Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 06:01
Thứ bảy, 17/09/2022 05:09
TMO - Hiện nay nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu chỉ chiếm từ 4-5% trong tổng số 160 tỷ USD nhập khẩu của thị trường này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung khai thác tại thị trường Tây Âu truyền thống, trong khi đó thị trường Bắc Âu được đánh giá là còn nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kết nối tiêu thụ nông sản tại thị trường Hà Lan, các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, khu vực Bắc Âu gồm 5 nước: Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland. Đây là các nước nhỏ, nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại. Trong năm 2021, 4 trong số 5 nước Bắc Âu nằm trong top 10 quốc gia có mức thu nhập bình quân cao nhất thế giới. Kim ngạch nhập khẩu tương đối ấn tượng, khoảng 500 tỷ USD/năm.
Trong 27 nước EU, các doanh nghiệp mới chỉ tập trung khai thác tại thị trường Tây Âu truyền thống. Đối với khu vực Bắc Âu, 3 thị trường chính mà các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu là Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy với các nông sản như: rau củ quả; trà, cà phê, gia vị và ngũ cốc.
Năm 2021, 3 nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy nhập khẩu khoảng 6,5 tỷ USD mặt hàng nông sản, trong đó rau củ quả là 4,8 tỷ USD; trà, cà phê, gia vị là 1,2 tỷ USD; ngũ cốc là 503 triệu USD. Số lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang 3 quốc gia này rất ít, qua đó có thể thấy dư địa Bắc Âu để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác còn rất lớn.
Cụ thể, tại Thụy Điển có 4 mặt hàng nông sản của Việt Nam nằm trong 50 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng tại Thụy Điển, trong đó, cà phê chưa rang, chưa khử caffein đứng thứ 2, hạt điều đã bóc vỏ đứng thứ 13, gạo đã xát toàn bộ hoặc sơ bộ đứng thứ 25, và hạt tiêu nguyên hạt đứng thứ 45.
Hạt điều là một trong những mặt hàng đang được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tại khu vực Bắc Âu
Đối với thị trường Đan Mạch, chỉ có 2 mặt hàng nông sản của Việt Nam nằm trong top 50 các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có tiềm năng tại thị trường này là cà phê chưa rang, chưa khử caffein và hạt điều đã bóc vỏ, với tiềm năng tương ứng là 9,3 triệu và 3 triệu USD.
Tương tự Thụy Điển, Việt Nam được đánh giá có 4 mặt hàng nông sản xuất khẩu tiềm năng vào thị trường Đan Mạch, trong đó 3 mặt hàng đầu giống Thụy Điển là cà phê chưa rang, chưa khử caffein có thể khai thác thêm 28 triệu USD, hạt điều đã bóc vỏ 8,6 triệu USD, và gạo đã xát sơ bộ hoặc toàn bộ 2,2 triệu USD. Cuối cùng là hoa quả tươi hiện Việt Nam chưa xuất khẩu nhiều, mới khoảng gần 300.000 USD, trong khi có khả năng xuất khẩu 3,1 triệu USD.
Dù được đánh giá là thị trường còn nhiều dư địa trong gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên để khai thác hiệu quả tiềm năng tại thị trường khu vực này các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn. Trong đó, việc Việt Nam chưa có đường bay thắng đến khu vực này khiến nông sản nước ta khó cạnh tranh với các thị trường khác.
Mới đây, EU đã ban hành Quy định (EU) 2022/741 liên quan đến chương trình phối hợp kiểm soát nhiều năm của Liên minh cho các năm 2023, 2024 và 2025 để đảm bảo việc tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa. Theo đó, các quốc gia thành viên sẽ lấy và phân tích mẫu cho các tổ hợp thuốc trừ sâu trên các lô hàng mẫu được chọn ngẫu nhiên để kiểm tra. Các sản phẩm được chọn ngẫu nhiên để kiểm tra như cam, táo, chuối, kiwi, bưởi, hành tây, cà rốt, bông cải xanh, cải bắp, đậu, ớt, gạo xát vỏ, mỡ gia cầm, sữa bò, trứng gà…
Dù được đánh giá là còn nhiều dư địa, song thị trường châu Âu đang siết chặt quy định xuất khẩu. Ảnh: Cửu Long
Thông tin về xu hướng thị trường tại khu vực Bắc Âu, bà Thúy cho biết, các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường do vậy những vấn đề bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh và xu hướng chuyển sang sản xuất bền vững đang là chủ đề nóng tại các diễn đàn tại khu vực Bắc Âu, qua đó ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân.
Người dân Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ với các phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động đến môi trường, giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các thực phẩm thay thế thịt. Do đó, các sản phẩm thực phẩm có hàm lượng protein cao, có thể thay thế thịt rất dễ dàng được đón nhận.
Bên cạnh đó, người dân Bắc Âu cũng quan tâm đến yếu tố nhãn mác. Tại Bắc Âu, nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu là nhãn sinh thái chính thức của tất cả các nước Bắc Âu: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan. Cơ quan nhãn sinh thái Bắc Âu nỗ lực trong việc giảm tác động môi trường từ sản xuất và tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng và người mua dễ dàng lựa chọn hàng hóa và dịch vụ tốt nhất cho môi trường. Do vậy, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái sẽ dễ dàng được tiêu thụ tại các thị trường Bắc Âu.
Thị trường Bắc Âu hiện nay đặc biệt chú trọng đến tiêu dùng các thực phẩm hữu cơ, vì vậy các doanh nghiệp cần chú trọng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Quang Hiếu
Trước tiềm năng cũng như thách thức ở trên, ông Nguyễn Quốc Toản Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) đã đưa ra 6 đề xuất, kiến nghị để nông sản Việt có thể chinh phục được thị trường khắt khe này.
Theo đó, việc lựa chọn các mặt hàng đủ lực, đủ mạnh, cùng với hàm lượng chế biến ngày càng được nâng cao, sự chăm chút của cộng đồng doanh nghiệp cho khâu đóng gói, bao bì, nhãn mác và sở hữu trí tuệ là những yếu tố rất quan trọng. Để có thể triển khai những công việc đó một cách hiệu quả, cần sự kết nối tổng thể giữa hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tham tán thương mại.
Các cơ quan thương vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp tại địa bàn, của các đầu mối nhập khẩu nông sản tại từng thị trường. Các hiệp hội ngành hàng cần có sự đồng hành của các đơn vị tư vấn trong vấn đề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.
Các doanh nghiệp tham gia vào các diễn đàn của Bộ NN&PTNT cần đưa ra những kiến nghị cụ thể để Bộ NN&PTNT xây dựng những chính sách cho dù là nhỏ nhất như tín dụng vi mô, hình thành vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở chế biến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các HTX… các hiệp hội ngành hàng cần cùng tham gia đào tạo kỹ năng bán hàng cho các HTX và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong tháng 6/2022, EU đã đưa ra 36 cảnh báo về các mức dư lượng của Việt Nam. Điều đó có nghĩa tuy thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hà Lan, thị trường Bắc Âu còn khiêm tốn nhưng yêu cầu chất lượng của các thị trường đều rất cao. Với tần suất cảnh báo dày như vậy, chính các doanh nghiệp cần tự ý thức, tránh để làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng cũng như uy tín của nông sản Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, năng lực sản xuất nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 140 triệu tấn mỗi năm, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Hải Nguyễn
Bình luận