Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 12:11
Thứ sáu, 04/03/2022 16:03
TMO - Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Melbourne (Australia) hy vọng có thể đưa hổ Tasmania trở lại thông qua sử dụng tế bào gốc sau khi cá thể cuối cùng chết gần 100 năm trước.
Gần đây, quỹ Wilson Family Trust đã tài trợ hơn 3,6 triệu USD cho trường đại học Melbourne và khoản tiền sẽ được chuyển cho Phòng thí nghiệm nghiên cứu khôi phục gene hổ Tasmania (TIGRR).
Hổ Tasmania (Thylacine) là thú ăn thịt có túi đã tuyệt chủng ở lục địa Australia khoảng 3.000 năm trước. Con hổ Tasmania cuối cùng sống trong môi trường nuôi nhốt năm 1936. Loài vật này còn được gọi là chó sói Tasmania do có chung một số đặc điểm với chó hoang dingo ngày nay ở Australia. Chúng có hình dáng đặc biệt với những vạch sọc tương tự ngựa vằn ở chân sau.
Con hổ Tasmania nuôi nhốt cuối cùng chết vào năm 1936. Ảnh: Phys.org
Các nhà khoa học làm việc ở phòng thí nghiệm cho biết khoản kinh phí mới sẽ được sử dụng vào ba mục đích chính trong dự án, đó là tìm hiểu kỹ hơn hệ gene của hổ Tasmania, sử dụng tế bào gốc từ thú có túi khác để tạo phôi thai loài vật và chuyển vào động vật mang thai hộ như chuột dunnart.
Thông qua dự án này, các nhà khoa học có thể tạo ra tế bào giống của hổ Tasmania trong vòng 10 năm. Trước hết, các nhà khoa học sẽ bắt đầu với tế bào sống từ một loài có họ hàng gần, trong trường hợp này là chuột dunnart. Sau đó sẽ tiến hành chỉnh sửa tế bào đó để chuyển hệ gene của nó thành hệ gene của hổ Tasmania, áp dụng công nghệ nhân bản để biến tế bào thành động vật sống.
Theo các giáo sư tại trường đại học Melbourne, hổ Tasmania là lựa chọn tốt để hồi sinh bởi chúng đóng vai trò quan trọng giúp cân bằng hệ sinh thái Tasmania. Đồng thời, công nghệ chỉnh sửa gene tiên tiến ở phòng thí nghiệm sẽ giúp bảo vệ nhiều động vật có túi khác ở Australia đang bị đe dọa bởi những thay đổi trong hệ sinh thái và cháy rừng.
Thanh Nga
Bình luận