Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ bảy, 16/12/2023 07:12
TMO - Indonesia đang đặt mục tiêu bổ sung 4,68 gigawatt (GW) công suất năng lượng mặt trời vào năm 2030 và hướng tới cung cấp 51,6% công suất điện bổ sung từ các nguồn tái tạo theo quy hoạch tổng thể quốc gia mới.
Năng lượng tái tạo được xem là trọng tâm chính của các quốc gia Đông Nam Á trong những năm gần đây. Tính đến năm 2020, năng lượng tái tạo chiếm 33,5% công suất phát điện của ASEAN, chủ yếu nhờ sự gia tăng năng lượng quang điện mặt trời. Các chuyên gia cho biết, đến năm 2060, năng lượng mặt trời được dự đoán sẽ thống trị ngành năng lượng của Indonesia, chiếm hơn 60% tổng sản lượng năng lượng của quốc gia. Năng lượng mặt trời vẫn còn tiềm năng đáng kể, đặc biệt khi hiện tại, việc sản xuất năng lượng mặt trời chỉ đạt chưa đến 1% tổng tiềm năng.
Để đạt được mục tiêu này, Indonesia sẽ phải bảo đảm cung cấp các mô-đun quang điện mặt trời chất lượng tốt trong tương lai. Do đó, nội địa hóa chuỗi giá trị điện mặt trời là điều cần thiết để bảo đảm khả năng tiếp cận các mô-đun quang điện mặt trời chất lượng cao trong thời gian dài. Ngoài ra, việc nội địa hóa chuỗi giá trị sẽ giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu, cũng như có khả năng phục hồi cao hơn trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Cùng với đó là thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng việc làm xanh và bảo đảm an ninh nguồn cung cho Indonesia.
Indonesia đang đặt mục tiêu bổ sung 4,68 gigawatt (GW) công suất năng lượng mặt trời vào năm 2030.
Nội địa hóa điện mặt trời dự kiến sẽ đóng góp hơn 5 tỷ USD đến 10 tỷ USD đầu tư bổ sung (cả trực tiếp và gián tiếp) cho Indonesia vào năm 2035. Indonesia hiện sở hữu công suất sản xuất mô-đun quang điện mặt trời hàng năm đạt khoảng 2,2 gigawatt-đỉnh (GWp), tuy nhiên quốc gia này lại phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ mô-đun quang điện mặt trời. Công nghệ này cung cấp công suất điện tương đối thấp và hiệu suất mô-đun khoảng 15 - 17%.
Với việc sản xuất năng lượng quang điện mặt trời của Indonesia chỉ giới hạn ở việc lắp ráp mô-đun sử dụng pin nhập khẩu với giá tương đối cao, việc tận dụng năng lực sản xuất của Indonesia vẫn tương đối thấp ở mức dưới 10%. Do đó, việc nội địa hóa chuỗi giá trị sản xuất pin mặt trời thế hệ tiếp theo với chất lượng cao và giá cả phải chăng được xem là một hướng đi quan trọng, để đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo của Indonesia. Nội địa hóa chuỗi giá trị sẽ cho phép Indonesia bảo đảm cung cấp đủ mô-đun quang điện mặt trời cấp 1, cũng như mang lại giá trị kinh tế cho Indonesia về lâu dài.
Việc nội địa hóa hoạt động sản xuất điện mặt trời có thành công hay không sẽ gần như phụ thuộc vào ba trụ cột quan trọng sau: bảo đảm nhu cầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy quan hệ đối tác với các nhà sản xuất thiết bị gốc điện mặt trời (OEM); và cung cấp các ưu đãi tài chính và phi tài chính có mục tiêu để đẩy nhanh đầu tư vào chuỗi giá trị điện mặt trời. Để đạt được quy mô sản xuất tối thiểu, việc xác định nhu cầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt bằng cách tận dụng chênh lệch giá thị trường xuất khẩu là rất quan trọng. Ngoài ra, việc bảo đảm tính kịp thời và thành công trong việc giao hàng cho các dự án trong nước và xuất khẩu cũng là điều cần thiết.
Hiện nay, Indonesia được xem là “ứng cử viên” tiềm năng của các OEM quốc tế. Vì vậy, việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với các OEM năng lượng mặt trời có đủ khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu cũng rất quan trọng. Nhiều nước đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thành lập các cơ sở sản xuất ở Indonesia nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đang phát triển.
Indonesia nên xem xét việc lên kế hoạch và thực hiện các ưu đãi tài chính, phi tài chính để khuyến khích các đối tác OEM đầu tư vào Indonesia. Ưu đãi tài chính có thể bao gồm miễn thuế hoặc trợ cấp thuế, cũng như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Những biện pháp này sẽ góp phần không nhỏ giúp Indonesia tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn cho các nhà sản xuất nước ngoài đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản xuất điện mặt trời.
M. Quân
Bình luận