Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 19:01
Thứ ba, 08/10/2024 12:10
TMO - Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã phê chuẩn việc chỉ định quần đảo Nusa Penida và Gili Matra ở eo biển Lombok của Indonesia là khu vực biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA).
PSSA là một trong những sáng kiến do IMO phát triển nhằm tăng cường bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là ở những khu vực có hệ sinh thái phong phú đa dạng và phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, nhưng dễ bị tổn thương trước các hoạt động vận tải biển quốc tế.
Vụ trưởng Vụ Vận tải đường biển của Bộ Giao thông vận tải Indonesia Hendri Ginting cho biết việc phê chuẩn này diễn ra tại cuộc họp của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) lần thứ 82 được tổ chức tại London (Anh) từ ngày 30/9 đến 4/10 với sự tham gia của hơn 20 quốc gia.
Quần đảo Nusa Penida và Gili Matra ở eo biển Lombok của Indonesia là khu vực biển đặc biệt nhạy cảm.
Theo đề xuất của Indonesia, Đề án phân luồng giao thông (TSS) trong eo biển Lombok, được IMO đưa ra hồi năm 2019 và triển khai thực hiện trong năm 2020, được đề xuất như là Các biện pháp bảo vệ liên quan (APM). Đây là một trong những cơ chế chính để bảo vệ một khu vực được chỉ định là PSSA.
Eo biển Lombok là một trong những tuyến của Dòng chảy xuyên Indonesia (ITF), lưu chuyển nước từ Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương ngoài eo biển Ombai và biển Timor. Vì vậy, các vùng nước này trở nên màu mỡ và giàu chất dinh dưỡng. Eo biển trên cũng nằm trong khu vực Tam giác san hô (CT) của thế giới nên giàu đa dạng sinh học biển và cần được bảo vệ. Ở đây có nhiều loài sinh vật biển nổi tiếng và quý hiếm rất dễ bị tổn thương và nhạy cảm trước những tác động do hoạt động vận tải biển.
Với việc IMO chấp thuận đề xuất của Indonesia, hai vùng biển trên sẽ trở thành những khu vực đầu tiên ở quốc gia này được chỉ định là PSSA và có thể trở thành các dự án thí điểm để tiếp tục xác định các khu vực PSSA tiềm năng khác tại Indonesia.
Trước đây, dự báo eo biển Malacca không còn có thể chịu được lưu lượng tàu thuyền gia tăng nhanh chóng, Chính phủ Indonesia khuyến khích các chuyến đi qua eo biển Lombok. Do hoạt động vận chuyển gia tăng, nên nảy sinh hàng loạt vấn đề tạo ra các mối đe dọa về ô nhiễm biển ở khu vực eo biển Lombok.
Để ứng phó với những vấn đề hàng hải phát sinh này, Chính phủ Indonesia đã đề xuất thành lập các khu vực biển đặc biệt nhạy cảm trong chính sách nội bộ của mình. Bảo vệ môi trường biển cũng là một trong những cam kết của Indonesia nhằm bảo vệ các khu vực dễ bị tổn thương khỏi ảnh hưởng tiêu cực do vận tải biển quốc tế. Ngoài ra, nước này cũng nỗ lực nhằm ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm biển, tiết kiệm năng lượng hiệu quả từ tàu biển, xử lý vấn đề rác thải nhựa trên biển.../.
Lê Tân
Bình luận