Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ bảy, 24/06/2023 07:06
TMO - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết, các nước giàu đã thực hiện được mục tiêu tái phân bổ 100 tỷ USD nguồn vốn từ thể chế này cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển.
Vừa qua, các nhà lãnh đạo của hơn 100 quốc gia, lãnh đạo các tổ chức quốc tế quan trọng, cùng đông đảo đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các tổ chức chính trị - xã hội đang có mặt tại Paris để tham gia Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới trong hai ngày (22 và 23/6).
Mục tiêu của hội nghị là tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu hơn để giải quyết vấn đề đói nghèo và biến đổi khí hậu thông qua định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu. Trong đó, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là cách thức cung cấp sự hỗ trợ về tài chính cho các quốc gia nghèo dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu. Một trong các chủ đề chính được thảo luận tại hội nghị là sự điều chỉnh cách thức các định chế tài chính hàng đầu cho vay và cấp tiền cho các quốc gia dễ bị tổn thương.
IMF huy động nguồn lực cho quỹ khí hậu và nghèo đói.
IMF cho biết, hội nghị đã đạt được mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD SDR cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Các nước giàu đã cho IMF vay lượng SDR này, để cung cấp cho các nước đang phát triển dưới dạng các khoản vay lãi suất thấp, phục vụ cho việc xóa đói giảm nghèo và chống biến đổi khí hậu.
Cả IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) trong những năm gần đây đã đưa ra nhiều chính sách nhằm giúp các nước đối phó với biến đổi khí hậu. Năm 2022, IMF đã ra mắt Quỹ tín thác về khả năng phục hồi và bền vững (RST), với số vốn 40 tỷ USD, để cung cấp các khoản vay dài hạn cho các dự án tài trợ liên quan.Bangladesh, Barbados, Costa Rica và Rwanda là những nước đầu tiên được hưởng khoản tài trợ của IMF. Ngân hàng Thế giới (WB) dưới sự lãnh đạo của cựu Chủ tịch David Malpass đã tìm kiếm được khoản tài trợ gấp 2 lần cho khí hậu (32 tỷ USD) và đưa ra kế hoạch hành động chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu giai đoạn 2021 đến 2025.
Giám đốc WB Ajay Banga đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng của thiên tai, bao gồm cả việc hoãn trả nợ cho các quốc gia đi vay. Động thái này nhằm tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước thu nhập thấp ứng phó với khủng hoảng, cải cách các hệ thống tài chính sau chiến tranh và giải phóng các quỹ để ứng phó với biến đổi khí hậu bằng cách đạt được sự đồng thuận cấp cao nhất đối với phương thức thúc đẩy triển khai một số sáng kiến đang gặp khó khăn trong các tổ chức như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), IMF, Liên Hợp Quốc.
Thu Thảo
Bình luận