Hotline: 0941068156
Thứ năm, 16/01/2025 12:01
Thứ tư, 26/06/2024 08:06
TMO - Với trợ lực từ nguồn vốn khuyến công cho sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao giá trị và đầu ra cho sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Vĩnh Phúc.
Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là các sản phẩm có thế mạnh, mang nét đặc trưng của địa phương đạt chất lượng tốt, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong đó, việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm lựa chọn được những sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng, giá trị sử dụng để tôn vinh, góp phần tạo động lực mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Khi sản phẩm đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu thì doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trực tiếp sản xuất ra sản phẩm đó sẽ được hưởng nhiều quyền lợi, sản phẩm tạo được vị thế và thương hiệu trên thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Để phát hiện, tôn vinh những sản phẩm chất lượng, có giá trị cao và có tiềm năng phát triển sản xuất tại địa phương, từ năm 2015, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu định kỳ 2 năm/lần.
Nguồn vốn khuyến công đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn. Ảnh: HY.
Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hiểu được lợi ích khi tham gia chương trình. Đồng thời, quảng bá sản phẩm của các đơn vị tham gia bình chọn đến với đông đảo người tiêu dùng; hỗ trợ áp dụng công nghệ mới, tiên tiến hơn để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm cũng như khai thác tối đa các lợi thể của đặc sản vùng miền, phát triển sản xuất ở quy mô công nghiệp; hỗ trợ các hoạt động các sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm…
Công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được các ngành, địa phương hưởng ứng và triển khai thực hiện hiệu quả; nhận thức của các cấp, ngành, cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp về công tác bình chọn sản phẩm trong hoạt động khuyến công ngày càng nâng cao. Đến nay, qua 5 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, cấp tỉnh có 77 sản phẩm đăng ký tham gia của 53 cơ sở công nghiệp nông thôn, đã có 39 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Các đơn vị có sản phẩm được Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã được tỉnh, các ngành chức năng hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong tỉnh cũng như tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhiều cơ sở được hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào các hệ thống phân phối hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên toàn quốc; giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử, cổng thông tin điện tử, phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức thông tin tuyên truyền khác.
Từ đó, đã góp phần khuyến khích, động viên kịp thời các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn nói chung và các đơn vị có sản phẩm được bình chọn đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nới nói riêng tích cực đẩy mạnh sản xuất, huy động vốn đầu tư mở rộng quy mô, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh và hướng đến xuất khẩu, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ.
Tỉnh Vĩnh Phúc có 6 bộ sản phẩm được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024. Theo đại diện các cơ sở có sản phẩm được công nhận, các cơ sở có sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu được hỗ trợ đều hoạt động sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, doanh thu và thu nhập người lao động tăng lên, giải quyết việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương. Thêm vào đó, việc được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã kịp thời phát hiện, tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Sở Công Thương tỉnh tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng sản xuất. Ảnh: BVP.
Trong những năm qua, chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đóng trên địa bàn tỉnh đổi mới, phát triển sản xuất. Năm 2023, từ nguồn vốn khuyến công, Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 31 Đề án mua máy móc, thiết bị sản xuất với kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 4,8 tỷ đồng; hỗ trợ 01 Đề án nhóm cho 4 cơ sở, hộ kinh doanh mua máy móc, thiết bị sản xuất với kinh phí hỗ trợ 556 triệu đồng; hỗ trợ 6 đơn vị thuê tư vấn lĩnh vực marketing, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; hỗ trợ đầu tư một phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm Hương Canh...
Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển Công Thương cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm nguyên liệu cho 125 học viên tại các làng nghề. Việc triển khai hiệu quả chính sách khuyến công đã động viên và huy động được các nguồn lực trong nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa công nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Các nội dung của hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn có hướng đầu tư đúng, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.
Năm 2024, với nguồn kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng từ ngân sách, ngành Công Thương tỉnh đang tiếp tục tập trung hướng dẫn, nắm bắt tình hình hoạt động thực tế để triển khai các nội dung hoạt động hỗ trợ thiết thực, trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại và đổi mới năng lực quản lý, sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm, vượt qua giai đoạn khó khăn của suy giảm kinh tế, tìm cơ hội thích nghi với điều kiện mới, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nhằm khuyến khích, thúc đẩy các sản phẩm công nghiệp nông thôn phát triển, thời gian tới, Sở Công Thương tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Tiếp tục nâng cao chất lượng khảo sát, xây dựng đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu phù hợp với tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương; tạo nhiều việc làm cho người lao động, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; nâng cao giá trị gia tăng các ngành và sản phẩm công nghiệp, tăng giá trị xuất khẩu các sản phẩm.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bám sát cơ sở địa bàn; nắm bắt nhu cầu hỗ trợ để xây dựng kế hoạch khuyến công phù hợp, sát với thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.
Thảo Lê
Bình luận