Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ năm, 22/12/2022 19:12
TMO - Tham gia Công ước Đa dạng sinh học từ năm 1994, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hướng đến giải quyết các mối đe dọa về đa dạng sinh học một cách toàn diện, bao gồm hoàn thiện hành lang pháp lý, tích cực hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tạo điều kiện cho cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trong nước phát triển...
Vừa qua, tại phiên họp cấp cao với chủ đề “Nền văn minh sinh thái - Xây dựng tương lai chung cho mọi sự sống trên Trái Đất” trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra ở Canada, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực vào những nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu; nhấn mạnh Việt Nam luôn sẵn sàng huy động mọi nguồn lực để triển khai hiệu quả Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học; đồng thời kêu gọi các nước thành viên có hành động tương tự để hướng đến xây dựng hành tinh thịnh vượng và khỏe mạnh.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, suy thoái đa dạng sinh học đang ở mức báo động và việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu và phục hồi đa dạng sinh học là thách thức với tất cả các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, với việc thông qua và thực hiện hiệu quả Khung Đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020, mục tiêu này sẽ gần hơn rất nhiều.
Đặc biệt, tại COP15 đã thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming – Montreal. Khung đa dạng sinh học toàn cầu gồm 4 mục tiêu tổng quát và 23 mục tiêu cụ thể đến năm 2030. Khung đa dạng sinh học toàn cầu nhấn mạnh: “Đến 2050, đa dạng sinh học được thừa nhận, bảo tồn, phục hồi và sử dụng khôn khéo, thúc đẩy các dịch vụ hệ sinh thái, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người”.
Việt Nam đang tích cực triển khai các giải pháp bảo vệ đa dạng sinh học tại các địa phương nhằm bảo tồn các giá trị tài nguyên đặc hữu, quý hiếm trên toàn cầu.
Tham gia Công ước Đa dạng sinh học từ năm 1994, từ đó đến nay Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hướng đến giải quyết các mối đe dọa về đa dạng sinh học một cách toàn diện, bao gồm hoàn thiện hành lang pháp lý, tích cực hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tạo điều kiện cho cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học trong nước phát triển... Đặc biệt, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu chính là kim chỉ nam để Chính phủ Việt Nam xây dựng Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học qua nhiều thời kỳ, giúp Việt Nam bắt kịp các yêu cầu bảo tồn của thế giới.
Đáng chú ý, tháng 1/2022 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cam kết này đã được Việt Nam tái khẳng định thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo thế giới về thiên nhiên tại Hội nghị thượng đỉnh về Đa dạng sinh học trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; Tuyên bố Côn Minh tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học năm 2021 tại Côn Minh, Trung Quốc.
Với tư cách làm thành viên tích cực của Công ước, Việt Nam kiến nghị cần nhanh chóng thiết lập các cơ chế hỗ trợ thực hiện, bao gồm cơ chế tài chính mới, huy động nguồn lực, xây dựng và phát triển năng lực, kỹ thuật, hợp tác khoa học và chuyển giao công nghệ; tăng cường hợp tác giữa các bên để thực hiện thành công các mục tiêu tham vọng của Khung Đa dạng sinh học toàn cầu; tạo cơ hội để mỗi người dân, tổ chức, quốc gia phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của mình trong việc hiện thực hóa Tầm nhìn 2050 về “Sống hòa hợp với thiên nhiên”.
Mới đây, Chính phủ đã có văn bản đồng ý chủ trương tham gia Liên minh Đại dương Toàn cầu (GOA) của Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng thời ủng hộ sáng kiến mục tiêu “30% diện tích đại dương được bảo vệ vào năm 2030” Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học nhấn mạnh trở thành thành viên của Liên minh GOA sẽ là một bước tiến mới của Việt Nam trong công tác tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, kết nối với cộng đồng quốc tế để trao đổi kinh nghiệm.
Từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu. Sáng kiến 30x30 là một trong những mục tiêu chính của khung đa dạng sinh học toàn cầu, nhằm kêu gọi thế giới bảo tồn 30% diện tích đất liền và biển của Trái Đất thông qua việc thành lập các khu bảo tồn (PA) và các biện pháp bảo tồn hiệu quả dựa trên khu vực khác (OECM).
Hương Giang
Bình luận