Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 18:11
Thứ năm, 12/01/2023 11:01
TMO - Nhằm nâng cao giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, thành phố Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng hiệu quả với mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ; đáp ứng nhu cầu về gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao, hạn chế ô nhiễm môi trường, thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với mục tiêu hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái; mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến và xuất khẩu và nâng cao thu nhập của người dân và lợi ích của người tiêu dùng , tại Kế hoạch Tái cơ cấu ngành lúa gạo thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn năm 2030, địa phương này nhấn mạnh đến nhiều mục tiêu.
Trong đó, thành phố nỗ lực đảm bảo giữ diện tích đất trồng lúa đến năm 2025 là 76.225 ha và đến năm 2030 là 74.319 ha. Tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận trên 90%; sử dụng giống chất lượng cao trên 80%; giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80 kg/ha) trên 70%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến (IPM, SRP, 1P5G,...), quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương (25%), canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, hướng đến sản xuất lúa hữu cơ (1,5%),...) trên 60%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%.
Xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm 30%. Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa từ 30% trở lên. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt bình quân 90%. Tỷ lệ diện tích gieo trồng có liên kết sản xuất - tiêu thụ trên 30%.Lợi nhuận cho người trồng lúa trên 30%.Giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa 5%.
Thời gian tới, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn bằng việc tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến (IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRP, cơ giới hóa,..). Nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng lúa trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2025 tập trung các nội dung, giải pháp như: Đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu gieo sạ với lượng giống từ 50 - 80 kg/ha. Tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ thay thế dần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học và phân hóa học trên đồng ruộng thông qua sản xuất lúa theo GAP và lúa hữu cơ. Tận dụng nguồn dinh dưỡng trong tự nhiên và có sẵn trong vùng để trả lại một phần cho đất.
Thời gian tới, thành phố Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng hiệu quả, bền vững
Phối hợp các chương trình dự án trong giải pháp cơ giới hóa trong các khâu gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, phun phân, tiếp cận công nghệ 4.0, dự báo sâu bệnh; đồng thời, phối hợp triển khai công nghệ số để thực hiện các giải pháp trong canh tác. Nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ kỹ thuật, người sản xuất trong tổ hợp tác, doanh nghiệp; tạo điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, tranh thủ các nguồn lực để thực hiện.
Xây dựng mô hình Ứng dụng cơ giới hóa trong gieo sạ góp phần đẩy mạnh việc giảm lượng giống trên các vùng sản xuất lúa trọng điểm của thành phố và giúp nông dân tin tưởng, an tâm thực hiện giảm giống trong sản xuất xuống còn trong khoảng 60 - 100 kg/ha bằng việc ứng dụng máy sạ cụm, máy sạ hàng,... Thực hiện mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa quy mô 10 ha/mô hình, 20 mô hình/ 4 năm (tương đương 200 ha/4 năm). Kết hợp tuyên truyền mở rộng diện tích ứng dụng trên quy mô 13.000 ha/năm x 4 năm = 52.000 ha (tương ứng 70% diện tích trồng lúa của thành phố).
Xây dựng vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP với mô hình sản xuất theo hướng VietGAP quy mô 50 ha/mô hình, 30 mô hình/4 năm (tương đương 1.500 ha/ 4 năm). Kết hợp tuyên truyền mở rộng diện tích ứng dụng trên quy mô 6.400 ha/năm x 3 năm = 19.200 ha (tương ứng 25% diện tích trồng lúa của thành phố). Khảo sát các vùng sản xuất theo quy trình tiên tiến của các tổ hợp tác, hợp tác xã đã được tập huấn áp dụng; lấy mẫu đất trồng; nước tưới và mẫu sản phẩm để phân tích các chỉ tiêu theo quy định như vùng định hướng sản xuất theo VietGAP...
Đẩy mạnh và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 30% diện tích sản xuất lúa thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi tham gia đầu tư liên kết sản xuất nông nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu và giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất.
Xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc gắn với an toàn thực phẩm trên sản phẩm lúa gạo với mục tiêu quản lý cây trồng gắn với truy xuất nguồn gốc, kết hợp chứng nhận diện tích sản xuất (phấn đấu đến năm 2025 đạt 30% diện tích). Xây dựng một số vùng trồng được quản lý chặt chẽ từ người sản xuất đến doanh nghiệp thu mua theo mô hình sản xuất khép kín. Sản xuất kết hợp nhiều giải pháp; trong đó, tập trung các giải pháp kỹ thuật số, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành lúa gạo giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 là 75,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn đề xuất ngân sách thành phố trên 49,5 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, UBND thành phố giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, triển khai thực hiện Kế hoạch này. Hằng năm, xây dựng dự toán chi tiết thực hiện Kế hoạch gửi Sở Tài chính thẩm định. Phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh sản xuất ngành hàng lúa gạo. Phối hợp các đơn vị có liên quan đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao sản xuất cho người dân. Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện xây dựng vùng bảo vệ đất trồng lúa.
Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp với các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn cơ sở tham gia mô hình tại địa bàn quản lý; Chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch chi tiết hàngnăm dựa trên Kế hoạch này để cụ thể hóa các hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra. Chủ trì bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng trong sản xuất lúa; nâng cao tập huấn triển khai tiến bộ kỹ thuật trồng lúa cho người dân.
Hoàng Hải
Bình luận