Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ hai, 10/10/2022 21:10
TMO - UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các cấp, ngành, các đơn vị chủ rừng tiếp tục triển khai đồng bộ có hiệu quả các chủ trương, chính sách và văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Lâm nghiệp năm 2022.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thời gian qua ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn toàn tỉnh; triển khai thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về lĩnh vực lâm nghiệp; chủ động ban hành các Văn bản, Kế hoạch, phương án liên quan đến công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng…
Triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng năm 2022, tính đến ngày 15/9/2022, các đơn vị, địa phương đã trồng rừng được 4.687,77 ha/4.500 ha kế hoạch (đạt 104,17%); trồng dược liệu được 1.558,712 ha/2.500 ha kế hoạch (đạt 62,35%); Trồng cây phân tán: 941.614 cây/601.800 (đạt 156,47%).
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu Lâm nghiệp khác như: Khoán bảo vệ rừng, chăm sóc rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, khai thác gỗ rừng trồng, khai thác lâm sản ngoài gỗ theo phương án bền vững. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, tỉnh Kon Tum thực hiện trồng rừng vượt kế hoạch, không chỉ thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mà còn cho thấy sự đồng lòng của nhân dân trong trồng rừng.
Công tác bảo vệ, phát triển diện tích rừng được các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai. Ảnh: BKT
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm sẽ tiếp tục thường xuyên tổ chức tuyên truyền để người dân nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia trồng rừng; vận động, khuyến khích, hướng dẫn người dân đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, trên đất trồng cây công nghiệp kém hiệu quả chuyển sang trồng rừng sản xuất để hưởng được nhiều lợi ích kinh tế. Qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ trồng rừng hàng năm, sớm đạt mục tiêu nâng tỷ lệ bao phủ rừng lên 64%.
Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, trong 9 tháng của năm 2022, các đơn vị, địa phương đã thường xuyên tổ chức nhiều đợt kiểm tra đột xuất các điểm nóng, ngăn chặn và xử lý nhanh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, mặt khác đã triển khai mở các đợt cao điểm ra quân tuần tra, truy quét bảo vệ rừng (vào các dịp lễ, tết...). Qua đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các điểm nóng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Cụ thể, tính đến ngày 15/9/2022 trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện 74 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; tổng khối lượng gỗ vi phạm 392,429m3 gỗ tròn, quy tròn các loại, diện tích thiệt hại 31,84 ha. So với cùng kỳ năm 2021: số vụ giảm 93 vụ; diện tích thiệt hại giảm 24,18 ha; khối lượng gỗ vi phạm tăng 34,480 m3 gỗ các loại. Tổng số vụ đã xử lý: 83 vụ, khởi tố vụ án: 16 vụ, xử lý khác: 14 vụ. Số vụ chưa xử lý (đang trong thời gian điều tra, niêm yết): 26 vụ.
Nhằm đảm bảo các diện tích rừng có chủ như quy định tại Luật Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đã triển khai, chỉ đạo rà soát các diện tích rừng chưa có chủ (UBND xã đang tạm quản lý) để giao về cho các đơn vị chủ rừng quản lý, bảo vệ.
Đến nay, các địa phương, đơn vị đã thực hiện bàn giao được 20.155,42 ha, còn 8.682,85 ha, giữa các đơn vị chủ rừng và địa phương chưa thống nhất thực hiện giao nhận. Đối với diện tích 8.682,85 ha này, UBND tỉnh đã có Văn bản chỉ đạo UBND các huyện liên quan và Sở NN&PTNT kiểm tra, làm rõ nguyên nhân diện tích chưa thống nhất bàn giao.
Các tổ bảo vệ rừng cộng đồng phối hợp với lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Trần Kiên
Là địa phương có độ che phủ rừng lớn với hơn 60%, tỉnh Kon Tum xác định việc quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm trong việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; trong đó, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum triển khai đã góp phần quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ rừng tại địa phương; đồng thời, giúp người dân sinh sống gần rừng có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Tại tỉnh Kon Tum, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến nay. Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, tính đến hết năm 2021 Quỹ đã rà soát, trực tiếp ký 56 hợp đồng/56 cơ sở phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Trong hơn 10 năm, Quỹ đã thu được hơn 1.900 tỷ đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng, đã giải ngân gần 1.800 tỷ đồng, trong đó hơn 92% số tiền chi cho gần 3.400 hộ gia đình cá nhân và 49 cộng đồng dân cư thôn, 32 chủ rừng tổ chức và 75 Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn được Nhà nước giao đất, giao rừng quản lý bảo vệ.
Nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng góp phần bảo vệ 384.000 ha rừng cung ứng dịch vụ, chiếm khoảng 67% diện tích rừng của tỉnh không tính diện tích cây cao su, cây đặc sản. Về trồng rừng thay thế, 7 năm qua, tỉnh Kon Tum trồng được trên 2.200 ha rừng và hỗ trợ cho người dân trồng được trên 647 ha rừng sản xuất.
Trong những tháng cuối năm, lực lượng chức năng tăng cường triển khai công tác trinh sát, nắm bắt thông tin, tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét đột xuất và thường xuyên, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ vi phạm, không để tồn đọng, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời nâng cao tính răn đe trong cộng đồng; đẩy mạnh điều tra các vụ án, vụ việc nổi cộm, phức tạp trên địa bàn....
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác theo dõi, chăm sóc, bảo vệ rừng mới trồng để thành rừng; có giải pháp trồng và phát triển dược liệu trong 03 tháng cuối năm đảm bảo đạt chỉ tiêu đề ra; tăng cường hơn nữa việc phối hợp, kết nối thông tin với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn để nhận được sự hỗ trợ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Minh Tiến
Bình luận