Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ tư, 25/01/2023 12:01
TMO - Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên trong phát triển lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp.
Theo đó, địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025: Bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2025; góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh 43%; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng rừng, đáp ứng yêu cầu về cung cấp nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, phòng hộ và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của tỉnh đạt bình quân từ 2,8 - 3,3%/năm.
Trong đó, đối với nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, địa phương, đơn vị bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là đối với 288.564 ha diện tích rừng tự nhiên, đưa vào khoán bảo vệ rừng 686.480 lượt ha (bình quân khoảng 137.296 ha/năm); đảm bảo cơ cấu 3 loại rừng hợp lý (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất); thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; 100% diện tích rừng của các Ban Quản lý rừng đặc dụng, Ban Quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng là tổ chức thuộc các thành phần kinh tế được quản lý hiệu quả. Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên lâm phận 02 Khu Bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Tà Kóu.
Tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng. Ảnh: KS
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển rừng và nâng cao năng suất, chất lượng rừng: Đối với rừng tự nhiên: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 26.023 lượt ha (bình quân khoảng 5.205 ha/năm). Thực hiện hiệu quả các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để nuôi dưỡng và làm giàu rừng tự nhiên. Đối với rừng trồng: Trồng rừng tập trung 9.011 ha (bình quân khoảng 1.802 ha/năm, gồm: Rừng phòng hộ 182 ha/năm, rừng đặc dụng 150 ha/năm và rừng sản xuất 1.470 ha/năm, trong đó 2% diện tích là trồng rừng gỗ lớn). Đẩy mạnh trồng và phục hồi rừng tại các khu vực phòng hộ, đầu nguồn, nơi có nguy cơ sạt lở và đất đồi núi chưa sử dụng.
Nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng: Đến năm 2025 năng suất rừng trồng đạt bình quân 20 m3/ha/năm.Trồng bổ sung, phục hồi nâng cấp 2.705 ha rừng trồng. Phát triển lâm sản ngoài gỗ: Phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ phát triển rừng. Đồng thời, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng sản xuất là rừng trồng thông qua tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả bền vững đối với 100% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng; trong đó, đến năm 2025, diện tích rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt khoảng 9.500 ha.
Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ trên, tỉnh Bình Thuận ưu tiên công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển thông qua đầu tư bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên hiện có, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Khôi phục, phát triển hệ thống rừng phòng hộ nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển.
Đầu tư trang thiết bị bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy rừng, xây dựng kết cấu hạ tầng bảo vệ rừng, bảo tồn, phát triển rừng tại các Ban Quản lý rừng, đảm bảo đủ điều kiện cho các hoạt động thường xuyên, cho công tác tuần tra bảo vệ rừng. Hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp cho các đơn vị, địa phương có vùng nguyên liệu tập trung, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Phát triển giống cây lâm nghiệp, trồng rừng gỗ lớn; Phát triển lâm sản ngoài gỗ qua việc hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ theo thế mạnh của từng địa phương, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung cây lâm sản ngoài gỗ gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng gắn với bảo vệ phát triển rừng, tạo những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng và phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Phát triển công nghiệp chế biến lâm sản: Hỗ trợ đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản theo cơ chế, chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và quy định của pháp luật liên quan.
Nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, tỉnh Bình Thuận chú trọng công tác tuyên truyền về vai trò, giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, vai trò của rừng với giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ và lưu giữ các bon, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ quốc phòng và an ninh của rừng; nâng cao nhận thức về phát triển rừng bền vững, rừng trồng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao, sử dụng lâm sản có nguồn gốc hợp pháp; phổ biến pháp luật về lâm nghiệp cho người dân, nâng cao ý thức xã hội về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống chặt, phá rừng trái pháp luật.
Lực lượng kiểm lâm phối hợp với các địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, không chuyển diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng ven biển có nguồn gốc đầu tư từ ngân sách Nhà nước sang mục đích sử dụng khác; xử lý kiên quyết các vi phạm pháp luật về mua, bán, chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật. Tiếp tục giao rừng, cho thuê rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và các thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật để đảm bảo diện tích rừng đều có chủ rừng thực sự, đồng thời nâng cao hiệu quả trong quản lý rừng, phát triển rừng.
Tiếp tục nghiên cứu, phát triển và nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; khai thác và tận dụng lợi thế nền lâm nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn và các loại hình du lịch sinh thái bền vững gắn với bảo vệ, phát triển rừng. Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống cây rừng bản địa đưa vào trồng rừng; kỹ thuật thâm canh rừng và trồng rừng gỗ lớn.
Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong các khâu trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản để nâng cao năng suất, chất lượng; công tác bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác hiệu quả lợi ích từ nguồn gen. Kết hợp nghiên cứu với đào tạo, chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến lâm. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất; quản lý nguyên liệu và sản xuất sản phẩm lâm sản từ gỗ rừng trồng.
Tranh thủ nguồn vốn của các chương trình, dự án để phát triển lâm nghiệp; trong đó, ưu tiên các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển rừng ven biển gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng, dịch vụ môi trường rừng; các chương trình, dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành lâm nghiệp. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững với các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định của pháp luật về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn nhằm huy động tối đa các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả.
Nguyễn Tùng
Bình luận