Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 15:01
Chủ nhật, 12/02/2023 06:02
TMO - Là một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước, thời gian qua tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị kinh tế, đồng thời hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao.
Phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh triển khai đến người dân, thực hiện trồng rừng và theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững. Theo đánh giá của các chủ rừng, trồng rừng theo tiêu chuẩn mới, giúp sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10 -15%; giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 10 đến 15%. Đây là một tín hiệu tích cực trong định hướng phát triển rừng ở Tuyên Quang.
Toàn tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 36.900 ha rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững. Cùng với đó, Tuyên Quang còn tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng trồng của người dân. Nhờ đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ người trồng rừng bằng cách cam kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật…
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng. Ảnh: BTQ
Hiện nay tổng diện tích rừng hiện có của tỉnh Tuyên Quang là hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước. Nâng tầm giá trị gỗ rừng trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người trồng, kinh doanh rừng.
Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu phát triển thêm 20.000ha rừng gỗ lớn, nâng tổng số diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh lên 89.000ha. Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025, các nghị quyết, đề án của tỉnh Tuyên Quang đã đồng hành, hỗ trợ người dân chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Trong đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng bằng các loài cây keo lai mô, cây keo tai tượng nhập ngoại, dổi, sấu, trám trắng; hỗ trợ phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, bảo tồn, trồng mới các loại cây đặc sản, cây dược liệu có giá trị; xem xét hỗ trợ lãi suất vay các tổ chức tín dụng trung hạn, dài hạn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất...
Tỉnh Tuyên Quang đang khai thác lợi thế rừng trồng trong phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Tỉnh Tuyên Quang có thế mạnh về phát triển sản xuất lâm nghiệp với 448.556 ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó diện đất có rừng là 426.042,45 ha (rừng tự nhiên là 233.170,65 ha, rừng trồng 192.871,8 ha). Hàng năm tỉnh trồng được trên 11.000 ha rừng, sản lượng khai thác 880 nghìn m3/năm, độ che phủ của rừng luôn duy trì trên 65%, là một trong những tỉnh có độ che phủ lớn nhất cả nước, đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190.000 ha, trong đó có trên 36.900 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC.
Vốn rừng hiện có là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ…Tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 nhà máy chế biến gỗ. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò trách nhiệm và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và nhân dân về phát triển lâm nghiệp bền vững nói chung; bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng sản xuất nói riêng.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng của rừng trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp; quản lý, bảo vệ chặt chẽ, phát huy hợp lý, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển du lịch...; nâng cao đời sống của người trồng rừng và bảo vệ rừng; phấn đấu trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.
Mai Hương
Bình luận