Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ bảy, 10/08/2024 06:08
TMO - Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 57/2024/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/9/2024.
Theo Thông tư trên, bên ký quỹ là tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác khoáng sản, hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Bên nhận ký quỹ là Quỹ Bảo vệ môi trường. Tiền ký quỹ là khoản tiền bên ký quỹ gửi vào bên nhận ký quỹ để đảm bảo trách nhiệm thực hiện các hạng mục công trình cải tạo, phục hồi môi trường và xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải theo quy định của pháp luật và Thông tư này.
Đối tượng áp dụng là Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam (trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) do Thủ tướng Chính phủ thành lập và Quỹ Bảo vệ môi trường cấp tỉnh do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập (sau đây gọi chung là Quỹ Bảo vệ môi trường); các tổ chức, cá nhân thực hiện việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và hoạt động chôn lấp chất thải tại Quỹ Bảo vệ môi trường.
Thông tư quy định: Tiền ký quỹ phải được bên nhận ký quỹ quản lý và sử dụng trên nguyên tắc bảo toàn vốn gốc, trả tiền lãi ký quỹ theo đúng quy định tại Thông tư này và pháp luật liên quan. Bên nhận ký quỹ phải tự cân đối bù đắp chi phí quản lý cho hoạt động nhận ký quỹ. Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ phải được thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Thông tư nêu rõ, khi thực hiện quản lý tiền ký quỹ, bên nhận ký quỹ phải gửi toàn bộ tiền ký quỹ vào tài khoản ký quỹ riêng mở tại ngân hàng thương mại (NHTM). Tài khoản ký quỹ là tài khoản độc lập với các tài khoản khác tại NHTM của bên nhận ký quỹ và theo dõi chi tiết tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ của từng dự án, tổ chức, cá nhân ký quỹ. Tiền từ tài khoản ký quỹ chỉ được phép chi ra khi đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 37, Điều 76 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (nếu có) và quy chế nội bộ về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ.
Tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ được bên nhận ký quỹ gửi tại các NHTM. Quỹ Bảo vệ môi trường quyết định, tự chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn các NHTM có chất lượng tốt, hoạt động an toàn theo quy định của pháp luật để gửi tiền; đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn gốc, bù đắp chi phí trả lãi cho bên ký quỹ và chi phí quản lý đối với hoạt động nhận ký quỹ.
Lãi suất, kỳ hạn gửi tiền ký quỹ tại khoản 1 Điều này do bên nhận ký quỹ thỏa thuận ký kết với NHTM theo quy định của pháp luật và quy định của NHTM trong từng thời kỳ. Lãi suất tiền ký quỹ bên nhận ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ đối với hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 37 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Trường hợp bên nhận ký quỹ áp dụng nhiều mức lãi suất cho vay cho nhiều đối tượng khác nhau thì mức lãi suất tiền ký quỹ bên nhận ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ được tính bằng mức lãi suất cho vay bình quân số học của các mức lãi suất cho vay đó. Trường hợp bên nhận ký quỹ là Quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh không thực hiện hoạt động cho vay thì mức lãi suất tiền ký quỹ bên nhận ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ được xác định theo lãi suất cho vay của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tại thời điểm nhận ký quỹ.
(Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, lãi suất tiền ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ đối với hoạt động chôn lấp chất thải thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 76 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Đối với hoạt động sử dụng tiền ký quỹ, Thông tư quy định khi hoàn trả tiền ký quỹ, Bên nhận ký quỹ phải hoàn trả tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ cho bên ký quỹ hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan theo quy định tại khoản 7, khoản 9 Điều 37 và điểm d khoản 4, khoản 5 Điều 76 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP (nếu có) và quy chế nội bộ về việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ.
Bên nhận ký quỹ không được sử dụng tiền ký quỹ và tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ để cho vay và thực hiện các mục đích khác ngoài quy định tại Thông tư này. Khi sử dụng tiền lãi phát sinh từ tiền ký quỹ, toàn bộ tiền lãi phải thu gửi NHTM phát sinh từ gửi tiền ký quỹ theo quy định tại Thông tư này và pháp luật liên quan được hạch toán vào doanh thu hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ. Toàn bộ tiền lãi ký quỹ bên nhận ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ theo quy định tại Thông tư này và pháp luật liên quan được hạch toán vào chi phí hoạt động nghiệp vụ của bên nhận ký quỹ.
Định kỳ 06 tháng (trước ngày 31 tháng 7 của năm báo cáo và ngày 31 tháng 03 của năm sau năm báo cáo), bên nhận ký quỹ phải gửi Thông báo số dư ký quỹ và tiền lãi ký quỹ phải trả cho bên ký quỹ tại thời điểm 30 tháng 6 và 31 tháng 12 của năm báo cáo theo Phụ lục 3 của Thông tư này và công khai trên trang thông tin điện tử hoặc tại Trụ sở của bên nhận ký quỹ. Đối với báo cáo năm, bên nhận ký quỹ phải gửi kèm theo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ phải được thuyết minh chi tiết tình hình tăng, giảm trong Báo cáo tài chính hằng năm của bên nhận ký quỹ. Bên nhận ký quỹ phải thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính hằng năm theo quy định của pháp luật. Việc kiểm toán, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của bên nhận ký quỹ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ngọc Thanh
Bình luận