Hotline: 0941068156
Thứ tư, 30/04/2025 13:04
Thứ tư, 30/04/2025 06:04
TMO - Các làng nghề của Hưng Yên đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, quá trình sản xuất cũng đặt ra nhiều thách thức đối với môi trường. Để phát triển hài hoà, tỉnh Hưng Yên đang triển khai đồng bộ các giải pháp giữa sản xuất làng nghề với bảo vệ môi trường tự nhiên.
Ngày 07/01/2025, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Kế hoạch số 03/KH-UBND về bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Hưng Yên năm 2025. Kế hoạch nhằm mục đích: Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm phát triển kinh tế du lịch, phát huy và gìn giữ giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề địa phương.
Phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn, khép kín, tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề.
Huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển làng nghề, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu. Đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề. Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia Chương trình OCOP.
Đồng thời, chú trọng và tăng cường công tác bảo vệ môi trường làng nghề; xây dựng và triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đối với làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung cần áp dụng các công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, phù hợp; tăng cường áp dụng các công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường.
Mặc dù vậy, công tác BVMT tại các làng nghề của Hưng Yên vẫn gặp một số khó khăn. Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có trên 100 làng nghề đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Cơ khí, tái chế phế liệu, chế biến lương thực - thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, sản xuất hoa, cây cảnh... Không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, các làng nghề còn mang lại nguồn thu ổn định cho người dân và tăng ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, song hành với sự phát triển ấy là những thách thức không nhỏ về công tác bảo vệ môi trường (BVMT), đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và toàn xã hội.
Đơn cử, tại một số làng nghề sản xuất hoa, cây cảnh ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, tình trạng sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật cũng là vấn đề đáng lo ngại. Vỏ chai, lọ thuốc bị vứt bừa bãi, thậm chí đốt tự phát, khiến môi trường đất, nước và không khí bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và cản trở phát triển du lịch sinh thái - hướng đi tiềm năng của nhiều địa phương. Nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm làng nghề xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu và thiếu hệ thống xử lý chất thải đồng bộ.
Tăng cường giám sát, kiểm tra vệ sinh môi trường tại các làng nghề.
Nhiều làng nghề chưa có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt, chưa có điểm tập kết chất thải rắn đạt yêu cầu. Việc di dời, tập trung các cơ sở sản xuất vào các cụm công nghiệp làng nghề gặp khó khăn do thiếu quỹ đất, kinh phí và sự đồng thuận của người dân.
Một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường làng nghề là làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm). Tại đây, khoảng 900 cơ sở, hộ gia đình tham gia vào chuỗi hoạt động thu mua, phân loại, sơ chế, tái chế phế liệu nhựa. Dù đã có hơn 450 cơ sở đưa vào hoạt động trong các cụm công nghiệp làng nghề, số còn lại vẫn sản xuất xen kẽ trong khu dân cư.
Quá trình tái chế phát sinh một lượng lớn khí thải, nước thải và chất thải rắn, cùng với phế thải không thể tái chế được bị tập kết tùy tiện, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, nước và đất. Theo các chuyên gia môi trường, việc nghiền, băm nhựa thải tiềm ẩn nguy cơ tạo ra bụi chứa vi nhựa. Khi hít phải, các hạt vi nhựa có thể xâm nhập vào máu và não người, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe lao động và cư dân quanh vùng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực trong công tác BVMT tại một số làng nghề.
Tại xã Chỉ Ðạo (huyện Văn Lâm), các hộ làm nghề tái chế bình ắc quy đã được tập hợp về khu vực sản xuất riêng của Công ty TNHH Làng nghề Ðông Mai. Tại đây, công ty đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khói bụi đạt chuẩn, kiểm soát tốt ô nhiễm môi trường.
Các hộ tái chế chì thực hiện sản xuất khép kín, 100% nước thải được thu hồi xử lý, 80% lượng nước đã xử lý được tái sử dụng, bụi chì cũng được thu gom triệt để nhờ hệ thống đầu tư gần 5 tỷ đồng. Mô hình này cho thấy khi có sự quyết tâm đồng bộ từ doanh nghiệp, người dân đến chính quyền, BVMT làng nghề hoàn toàn khả thi. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh có 5 làng nghề đã xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung;
BVMT tại các làng nghề hướng tới phát triển bền vững.
33 làng nghề có điểm tập kết chất thải rắn và phương án vận chuyển ra ngoài địa bàn để xử lý. Tuy nhiên, việc đầu tư cho hạ tầng bảo vệ môi trường tại các làng nghề trong thực tế chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Vẫn còn nhiều khu vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát tán nước thải chưa qua xử lý, phát tán bụi và khí thải ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt, đời sống của người dân. Ðể tiếp tục cải thiện vệ sinh môi trường làng nghề, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.
Các cấp chính quyền cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý chất thải tại các làng nghề ô nhiễm cao; tăng cường xã hội hóa đầu tư, hướng dẫn các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ hiện đại, kiểm soát tiếng ồn, khí độc và sử dụng hóa chất an toàn. Các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh lập, thực hiện phương án BVMT làng nghề; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi để đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện môi trường.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường phải được thực hiện thường xuyên, minh bạch. Cần tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng tham gia giám sát, cảnh báo, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm hại môi trường làng nghề.
Hưng Yên đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; do đó tỉnh đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nhưng cũng quán triệt phát triển kinh tế-xã hội phải quan tâm, chú trọng bảo vệ môi trường. Ngày 15/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa 19 đã ban hành nghị quyết về chương trình bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với quan điểm bảo vệ môi trường là nền tảng cho phát triển bền vững và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội, Hưng Yên tiến tới đẩy mạnh công nghiệp hoá gắn với bảo vệ môi trường bền vững.
Đức An
Bình luận