Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 16:04
Thứ bảy, 05/04/2025 06:04
TMO - Thời gian qua, TP. Huế đã tăng cường chỉ đạo các ban ngành, địa phương tăng cường quản lý, chú trọng phát triển ngành nông, lâm, thuỷ sản, đẩy mạnh cải cách nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Năm 2024, ngành nông nghiệp của TP. Huế đạt tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Các kết quả nổi bật như năng suất, sản lượng của các loại cây trồng chính đều tăng, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp duy trì phát triển ổn định.
Bên cạnh đó tăng trưởng GRDP của ngành đạt 3,4%, là mức tăng trưởng khá cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn tỉnh. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt hơn 265 triệu USD, tăng 1,9 lần so với năm 2023, trong đó xuất khẩu gỗ và sản phẩm đồ gỗ tăng gấp 2,3 lần. Đây là năm có giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay của TP. Huế.
Sau quá trình hợp nhất, theo Lãnh đạo TP. Huế, các đơn vị đã kiện toàn bộ máy, đồng thời đẩy mạnh chỉ đạo, quản lý, sản xuất. Riêng ngành Nông nghiệp và Môi trường, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường thông tin, ngành đã tập trung hướng dẫn và giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất nông lâm nghiệp, quản lý tài nguyên, môi trường. Các lĩnh vực của ngành đều có sự phát triển, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Sở đã xây dựng hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; sản phẩm bản đồ địa chính cơ bản phủ kín toàn thành phố. Hiện đang triển khai thực hiện công tác lập hồ sơ ranh giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Bên cạnh đó, nhiều mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ cao, hình thức canh tác tiên tiến đã được triển khai thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, như các mô hình nâng cao năng suất, chất lượng lúa IPHM, 3 giảm 3 tăng, giảm phát thải, nuôi xen canh tôm lúa....
Các mô hình sản xuất VietGAP, hữu cơ, với hơn 11.360 ha sản xuất theo hướng VietGAP; 318 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và đã cấp giấy xác nhận mã số vùng trồng cho hơn 151 ha; ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản trên một số diện tích nuôi trên cát với quy trình, công nghệ tiên tiến như: BioFloc, BMP, CoC… Công tác trồng, tái tạo rừng tự nhiên, rừng ngập mặn tiếp tục được thực hiện, với bình quân khoảng 6.000 ha/năm.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Huế cho biết, mục tiêu trong năm 2025 của ngành đặt ra là tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt trên 3,5%; qua đó, đóng góp vào tăng trưởng 2 con số của toàn thành phố trong năm 2025. Sở cũng thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, thương hiệu nông sản và đa giá trị; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch.
Quản lý chặt chẽ tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học; chủ động kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm và suy thoái môi trường; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế rừng tại khu vực TP. Huế. Để có thể đạt được những mục tiêu nêu trên, ngành tiếp tục đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến; phát triển công nghiệp chế tạo máy về nông nghiệp và công nghệ chế biến, bảo quản nông sản.
TP. Huế đặt mục tiêu tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản trên 3,5%. (Ảnh minh hoạ).
Tiếp tục hình thành các cánh đồng lớn, liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, thu hoạch, chế biến gắn với tiêu thụ nông sản. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, xây dựng các kênh phân phối, liên kết trực tiếp giữa vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng công nghệ số để giám sát nguồn cung tại các vùng sản xuất nông nghiệp chính.
Bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản của ngành Nông nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Mặc dù ngành đã điều chỉnh tăng trưởng nông lâm thủy sản lên trên 3,5%. Tuy nhiên, kết thúc quý I, năm 2025, tốc độ tăng trưởng của ngành chỉ đạt 2,6%.
Để thúc đẩy tăng trưởng của ngành trong thời gian đến cần có những giải pháp hiệu quả hơn. Về công tác quản lý sử dụng đất đai, cần chú trọng vào công tác đo đạc, thống kê, hiện trạng sử dụng đất; quản lý hiệu quả hơn về tài nguyên khoáng sản; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phối hợp trong giải phóng mặt bằng…Lãnh đạo TP. Huế yêu cầu, ngành Nông nghiệp và Môi trường là thế mạnh của thành phố Huế, nên yêu cầu đặt ra là phải tăng tốc phát triển, đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng trưởng của thành phố trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Ngành tiếp tục phát huy hơn nữa ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số gắn với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Cần nghiên cứu áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, mang tính tuần hoàn, bảo vệ môi trường. Để tập trung phát triển nhanh, mạnh ngành nông nghiệp nói chung, trước đó, TP. Huế ban hành Kế hoạch số 498/KH-UBND ngày 30/12/2022 về Phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến nông lâm thuỷ sản đến năm 2030. Trong đó phấn đấu sản xuất cây trồng chủ lực đạt 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt 70% năm 2030. Chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt 80% năm 2025, cơ giới hóa đồng bộ đạt 60% năm 2030.
Về thuỷ sản, cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt 30% năm 2025, đạt 40% năm 2030; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá đạt 75% năm 2025, đạt 85% năm 2030. Về lâm nghiệp: Các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 35% năm 2025, đạt trên 55% năm 2030.
Trong phát triển chế biến, bảo quản nông sản, phấn đấu tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 4%/năm vào năm 2025 và 8%/năm vào năm 2030. Trên 40% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên.
Tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,3% đến 0,7%/năm. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chủ lực đạt 5% là sản phẩm chế biến. Hình thành các Hợp tác xã nông lâm nghiệp xây dựng cơ sở chế biến, nhà kho, sân bãi gắn với vùng nguyên liệu tại địa phương; doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế tại các cụm công nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu…/.
Vũ Quý
Bình luận