Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 14:11
Thứ tư, 12/07/2023 13:07
TMO - Sáng 12/7, tại Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam mở rộng 2023 được tổ chức dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (VACNE). Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá tổng quát và ghi nhận, tiếp thu ý kiến góp ý về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội VII nhiệm kỳ 2018 - 2023 và đề xuất phương hướng nhiệm vụ chính cho nhiệm kỳ 2023 - 2028 (Đại hội VIII) tới đây.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng năm 2023 có sự tham gia của các đại biểu nguyên là lãnh đạo Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, đại diện các cơ quan đoàn thể, hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại một số đầu cầu trên cả nước.
Về phía Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có sự tham gia của TS.Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam; GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng- Phó Chủ tịch VACNE; GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Phó Chủ tịch VACNE;... cùng đông đảo đại diện các Hội thành viên (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Cao Bằng...., các đơn vị trực thuộc và các Uỷ viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành.
Hội nghị Ban chấp hành mở rộng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (điểm trực tiếp tại Hà Nội).
Trình bày những đánh giá tổng quát nhất về hoạt động của Hội trong 35 năm qua, TS Nguyễn Ngọc Sinh chia sẻ: Kỷ niệm 35 năm xây dựng và trưởng thành (1988 – 2023), VACNE tiếp tục tự hào về những kết quả đã đạt được trong suốt thời kỳ lịch sử này. Từ Đại hội VII năm 2018 tới nay, Hội càng tự hào vì trong khó khăn của đại dịch mà nhiều lúc tưởng như không thể gượng nổi, Hội vẫn tìm ra cách thức hoạt động phù hợp, vẫn được các tổ chức và cá nhân các hội viên chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ.
Theo đó, Hội không ngừng lớn mạnh về tổ chức, tập hợp ngày càng rộng rãi cộng đồng hành động vì môi trường. Đại hội thành lập ngày 26/11/1988 theo Quyết định số 299/CT ngày 23/11/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Đúng 5 năm 1 lần Đại hội: Đại hội II năm 1993, Đại hội III năm 1998, Đại hội IV năm 2003, Đại hội V năm 2008, Đại hội VI năm 2013 và Đại hội VII năm 2018; Số lượng các Hội thành viên liên tục tăng: đến nay đã có trên 200 hội viên tập thể. Văn phòng Hội (1 ở Hà Nội, 1 ở TP.HCM)...
Hội đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của xã hội thông qua hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội - thế mạnh truyền thống của Hội Đại diện Hội là thành viên nhiều hội đồng tư vấn quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững, Hội đồng quốc gia về Biến đổi khí hậu, Cơ quan tư vấn quốc gia xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước, Ban Chỉ đạo quốc gia các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP Việt Nam,…
Ban lãnh đạo điều hành Hội nghị.
Tích cực đóng góp ý kiến tư vấn có chất lượng cho việc soạn thảo các luật liên quan như Luật Bảo vệ môi trường 1993, 2004, 2014, 2020 (chủ biên soạn thảo dự thảo chương về cộng đồng); Luật Đa dạng sinh học 2008 (chủ biên soạn thảo chương về tiếp cận nguồn gien và chia sẻ lợi ích); Luật Thuế bảo vệ môi trường 2010, các luật về Lâm nghiệp, về Thủy sản, về Biển và hải đảo, về Quy hoạch 2014, về tài nguyên Nước,…
VACNE chú trọng đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả truyền thông về tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững; Liên tục tổ chức hàng loạt hội thảo khoa học, mạnh dạn cập nhật nhiều nội dung học thuật mới và cấp thiết vào thực tiễn; Thực hiện có kết quả chức năng đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Phát động và tổ chức phong trào quần chúng sâu rộng bảo tồn Cây Di sản Việt Nam – hoạt động sáng tạo, đặc thù của Hội (Phát động từ 2010 và duy trì tới nay đã công nhận trên 6.000 Cây Di sản, thuộc trên 130 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm; Cây Di sản đã có mặt tại 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ngoài hải đảo).
Sau 35 năm trưởng thành và phát triển, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đúc kết những bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tiếp theo. Theo đó, Hội phải luôn chú trọng công tác tổ chức và phát triển Hội - cơ sở vững chắc để các đơn vị và hội viên hoạt động. Triển khai đồng bộ các hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ Điều lệ Hội đã quy định. Nêu cao tính chủ động, sáng tạo, thích ứng trong hoạt động Hội là bài học luôn có giá trị thực tiễn cao. Chú trọng phát huy thế mạnh tiềm năng của các hội viên – các chuyên gia đầu ngành về môi trường.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE trình bày những kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ VII (2018-2023) và hoạt động của Hội trong suốt 35 năm qua.
Trình bày kết quả thực hiện các nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ VII (2018-2023), TS. Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, nhiệm kỳ qua tổ chức của Hội tiếp tục được củng cố và phát triển, tính đến nay Hội đã có 211 đơn vị trực thuộc và hội thành viên, so với nhiệm kỳ trước, số lượng các hội thành viên tăng 20 đơn vị, thành phần được tiếp tục mở rộng đến các doanh nghiệp và các địa phương.
Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội – thế mạnh của Hội tiếp tục được thực hiện thường xuyên, có kết quả: Nhiệm kỳ qua, Hội đã tiếp tục thực hiện tốt mảng công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội về môi trường và PTBV theo khả năng của mình, tuy nhiên cũng cần tổ chức, bồi dưỡng lực lượng để có thể góp phần giải quyết nhiều hơn nữa những vấn đề bức xúc về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nói chung
Công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng tiếp tục được cải tiến: Cũng như Nhiệm kỳ trước, Nhiệm kỳ qua, mặc dù bị đại dịch COVID tác động nghiêm trọng,hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường tiếp tục có nhiều tiến bộ, có nhiều hình thức phù hợp, có tác dụng tốt đối với cộng đồng. Website www.vacne.org.vn tiếp tục phát huy sức mạnh là kênh truyền thông chính của Hội. Các tin mới do VACNE biên soạn được đăng tải hàng ngày. Việc phát hành Tạp chí điện tử “Thiên nhiên và Môi trường” bước đầu đáp ứng được sự mong mỏi của các hội viên. Tạp chí đang nỗ lực hoàn thiện, xây dựng cơ sở để phát triển. Số báo Tết Quý Mão với chủ đề chính Cây Di sản Việt Nam đã được ra mắt kịp thời.
Bên cạnh đó, Hội đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu, triển khai KHCN về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Từ năm 2013 đến nay được sự hỗ trợ của Tổng cục Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một số Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ,… Hội đã thực hiện hoặc phối hợp thực hiện hàng loạt đề tài, đề án, nhiệm vụ điều tra- nghiên cứu, xây dựng quy hoạch.
Đối với công tác đặc thù “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam”, theo báo cáo nhiệm kỳ qua Hội đã công nhận hàng nghìn Cây Di sản Việt Nam, số lượng lớn nhất là các cây chè san tuyết núi cao ở Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, đưa tổng số Cây Di sản được công nhận lên con số trên 6.000 cá thể thược trên 130 loài, phân bổ trong 55 trên tổng số tỉnh/thành phố trực thuộc TW. Hội đã ngày càng chú trọng đến việc chăm sóc, kéo dài tuổi thọ Cây Di sản. Các chuyên gia lâm nghiệp của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam tích cực đáp ứng các yêu cầu tư vấn chăm sóc Cây Di sản của các địa phương. Đặc biệt, do ảnh hưởng tích cực của Sự kiện Cây Di sản, theo đề xuất của Hội Môi trường Quảng Tây Trung Quốc thông qua Tổng Lãnh sự quán Việt Nam, Hội đã phối hợp tổ chức thành công Tọa đàm trực tuyến Việt – Trung về “Chăm sóc cây cổ thụ - Cây Di sản”.
Việc hợp tác, phối hợp hoạt động của Hội với các tổ chức trong nước và quốc tế đã được chú trọng, trong 2 năm cuối Nhiệm kỳ, Hội hợp tác với Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP) tổ chức Hội thảo quốc tế trực tiếp và trực tuyến về “Tác động của ô nhiễm môi trường đến đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng” do Bộ Môi trường Anh tài trợ. Sau đó, Bộ Môi trường Anh tiếp tục hỗ trợ VACNE thực hiện dự án nghiên cứu khoa học cùng tên.
Ngoài ra, công tác khen thưởng của Hội được tiến hành thường xuyên, nhất là vào các dịp Đại hội thường kỳ của các Hội địa phương, vào các dịp khai trương hoặc tổng kết sự kiện hoạt động của các tổ chức Hội. Nhiệm kỳ qua, nhiều hội viên và tổ chưc Hội đã được trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt trong lĩnh vực môi trường, Danh hiệu Tri thức tiêu biểu,… Liên hiệp hội Việt Nam trao tặng Bằng khen và Cờ Thi đua năm 2022. Sau khi nhận Huân chương Lao động hạng Ba năm 2014, Hội BVTN&MT Việt Nam tiếp tục được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2020.
Ông Đàm Văn Lý, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Cao Bằng chia sẻ những hoạt động hưởng ứng của Hội địa phương thời gian qua.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, các đại biểu đại diện cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường các tỉnh Cao Bằng, Đắk Lắk, Đồng Nai... đã chia sẻ những kết quả cũng như một số vấn đề hạn chế trong công tác phát triển hoạt động của Hội địa phương. Ông Đàm Văn Lý Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Cao Bằng cho biết: Ngay từ đầu năm 2023, Hội BVTN&MT tỉnh Cao Bằng đã phát động phong trào thi đua chào mừng Kỷ niệm 35 thành lập VACNE và Đại hội lần thứ VIII của Hội với 2 nội dung chính: Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội thường niên trong đó tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT trong các cộng đồng, cơ quan.
Tổ chức các hoạt động cộng đồng về BVMT như: đẩy mạnh tự quản BVMT; xây dựng mô hình BVMT; tổ chức ra quân, hưởng ứng các sự kiện môi trường, ngày lễ lớn trong năm; Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Tổ chức tập huấn tuyên truyền bà con dân tộc thiểu số về BVMT; tăng thêm từ 1-2 Cây Di sản được công nhận (hiện nay khảo sát xong 4 cây cổ thụ tại huyện Nguyên Bình).
Hội nghị đã thông qua 5 phương hướng và 12 nhiệm vụ hoạt động chính của Hội nhiệm kỳ VIII (2023-2028). Thứ nhất, phát huy truyền thống tốt đẹp của Hội, chủ động thích nghi với những biến động của tình hình trong hoàn cảnh “bình thường mới”, tiếp tục đóng góp thiết thực cho sự nghiệp bảo vệ thiên nhiên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phục vụ tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước, đáp ứng mong mỏi của các tổ chức và hội viên. Thứ hai, không ngừng củng cố và phát triển tổ chức Hội, giữ vững ngọn lửa nhiệt tình của các vị lãnh đạo và hội viên.
Thứ ba, đáp ứng theo khả năng cao nhất có thể các yêu cầu về tư vấn, phản biện xã hội trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, ứng phó BĐKH phục vụ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đất nước; Tiếp tục chủ động, sáng tạo, đa dạng hóa các biện pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên và môi trường phù hợp tình hình, chú trọng tính bền vững của các hoạt động; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, đề án, dự án,… của các bộ, ngành, địa phương, kể cả của quốc tế; Thực hiện tốt chức năng đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, phấn đấu là địa chỉ tin cậy của cộng đồng quốc tế yêu thiên nhiên môi trường
Thứ tư, củng cố và phát triển phong trào Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, hoạt động đặc thù của Hội, chú trọng việc chăm sóc, kéo dài tuổi thọ Cây Di sản; Thứ năm, hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng giao phó theo chức năng, nhiệm vụ và năng lực của Hội
Nhiệm kỳ VIII (2023-2028), VACNE sẽ đáp ứng đến mức cao nhất theo khả năng các yêu cầu TV PBXH của cộng đồng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và của Hội; Tranh thủ điều kiện tập trung tư vấn phản biện xã hội những vấn đề bức xúc, quan trọng theo nguyện vọng về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu của hội viên và yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương. Chú trọng vấn đề hoàn thiện hệ thống luật pháp, chiến lược huy động sức mạnh cộng đồng, giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn,…
Tiếp tục tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học truyền thống của Hội như Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, Hội thảo Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam, đồng thời tìm kiếm cơ hội tổ chức hội thảo, tọa đàm theo các chủ đề mới, thích hợp. Khuyến khích, tạo điều kiện để các đơn vị trực thuộc và các hội thành viên tham gia, ký kết hợp đồng thực hiện các đề tài, nhiệm vụ, đề án,… với các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp ngành và địa phương cũng như các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chủ trì, bảo trợ, hỗ trợ các hội thành viên tổ chức các sự kiện truyền thông môi trường theo đúng các quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
Phát huy vai trò truyền thông của Tạp chí điện tử “Thiên nhiên và Môi trường”, trang web vacne.org.vn, phối hợp hoạt động tốt với các tạp chí, bản tin khác của các tổ chức thành viên Hội và các phương tiện truyền thông khác. Tạo nguồn lực biên tập và phát hành các ấn phẩm quan trọng về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, cố gắng mỗi năm có tối thiểu 1 ấn phẩm được xuất bản.
Duy trì và phát triển sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam, chú trọng việc chăm sóc và kéo dài tuổi thọ Cây Di sản, kết hợp sự kiện Cây Di sản với các hoạt động cuả cộng đồng về sinh kế, phát triển du lịch, về văn hóa, lịch sử, hướng tới xây dựng sự kiện như một mô hình văn hóa môi trường tiên tiến; Phấn đấu xuất bản tiếp các tập “Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam”. Thực hiện tốt chức năng đối ngoại nhân dân về tài nguyên, môi trừng và biến đổi khí hậu; Tiếp tục các hoạt động truyền thống với tổ chức ĐTM và ĐMC Hàn Quốc, với Viên Môi trường Thái Lan (TEI), với Chương trình TAI (Quyền tiếp cận môi trường), với ACAP (Mạng lưới Không khí sạch châu Á), đặc biệt với Diễn đàn Môi trường và Con người Hàn Quốc (HEF) Thường xuyên tìm kiếm và tổ chức thực hiện các hoạt động phối hợp với Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, các hội bạn, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội,… bằng việc phối hợp tổ chức hội thảo, tọa đàm, sự kiện truyền thông, phát hành ấn phẩm,…
Tiếp tục phát triển tổ chức hội, chú trọng mở rộng tổ chức hội tới 30 địa phương tỉnh, thành phố chưa có tổ chức tương xứng cũng như các cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng khác. Không ngừng củng cố, nâng cao kết quả và chất lượng hoạt động của các đơn vị trực thuộc, các hội thành viên, yêu cầu đóng góp niên liễm đầy đủ theo quy định Bảo đảm các hoạt động theo quy định đối với BCH Trung ương, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra, các Ban, các Hội đồng chuyên môn cũng như các Văn phòng Hội.
Hội nghị đã thông qua dự thảo Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam năm 2023. Theo đó, thời gian tới, VACNE tiếp tục hoàn thành các nội dung theo Nghị quyết Ban Chấp hành năm 2022 đã được thông qua tại Hội nghị Ban chấp hành năm 2022. Triển khai đồng bộ các hoạt động chuẩn bị Đại hội VIII dự kiến diễn ra vào ngày 25/11/2023. Chuẩn bị đẩy đủ và tiến hành thủ tục xin giấy phép tổ chức Đại hội. Đồng thời, hoàn thành tốt các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng.
Nhóm PV
Bình luận