Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/07/2025 08:07
Thứ năm, 24/07/2025 11:07
TMO - Việc thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng hồ, khu vực biển phải tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản cùng các quy định khác có liên quan.
Căn cứ Điều 113 Nghị định số 193/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Địa chất và Khoáng sản: Việc thăm dò, khai thác cát, sỏi tại lòng hồ thủy lợi, thủy điện phải phù hợp với các quy định về hành lang bảo vệ hồ chứa, bảo vệ công trình, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đập, hồ chứa và các hạng mục công trình gắn liền với hồ chứa; không làm suy giảm chức năng của hồ chứa; chỉ được phép khai thác phần trữ lượng do bồi lắng; Không gây ô nhiễm nguồn nước, hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
Việc thăm dò, khai thác cát, sỏi khu vực biển phải bảo đảm hài hòa lợi ích với các hoạt động khác như nuôi trồng thủy sản, du lịch, bảo tồn, hàng hải; Hạn chế gây tác động xấu đến dòng chảy, bờ biển, các hệ sinh thái biển.
Việc lấy ý kiến các cơ quan có liên quan khi thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đối với các nội dung quy định tại khoản 4 Điều này được thực hiện như sau: Trường hợp thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng hồ thủy lợi hoặc hồ lưỡng dụng, cơ quan thẩm định hồ sơ phải lấy ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi, phòng, chống thiên tai;
Trường hợp thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng hồ tự nhiên, cơ quan thẩm định hồ sơ phải lấy ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai; Trường hợp thăm dò, khai thác cát, sỏi khu vực biên, cơ quan thẩm định hồ sơ phải lấy ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, quốc phòng, an ninh.
Việc thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng hồ, khu vực biển phải tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản cùng các quy định khác có liên quan (Ảnh minh họa).
Nội dung lấy ý kiến về sự phù hợp của hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng hồ, khu vực biển: Đối với khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng hồ: Sự phù hợp với các quy định về phòng chống thiên tai, thủy lợi, thủy điện, trong phạm vi quản lý; mức độ tác động của hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đến nội dung phòng chống thiên tai, hoạt động của công trình thủy lợi, thủy điện; Đối với khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản cát, sỏi khu vực biển: Sự phù hợp với các quy định về xây dựng, quốc phòng, an ninh.
Cơ quan quản lý nhà nước được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cho ý kiến. Trường hợp khu vực đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản phải thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 26, khoản 2 Điều 43, khoản 2 Điều 55 của Luật Địa chất và khoáng sản và Điều 14 của Nghị định này.
Ngoài nội dung quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 56 của Luật Địa chất và khoáng sản, giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển còn phải quy định các nội dung sau: Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, trong năm. Căn cứ vị trí địa lý, điều kiện khí hậu, thời tiết, thủy văn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định thời gian khai thác trong ngày, quy định thời gian khai thác trong năm trên địa bàn tỉnh và phải bảo đảm không khai thác vào ban đêm đối với cát, sỏi lòng sông, lòng hồ.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản: Xác định ranh giới khu vực khai thác; cắm mốc hoặc thả phao xác định các điểm khép góc khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông; Lắp đặt bảng thông báo công khai thông tin về giấy phép khai thác, dự án khai thác theo quy định tại khoản 3 Điều 116 của Nghị định này.
Bảo đảm loại phương tiện, thiết bị được sử dụng trong khu vực khai thác được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định pháp luật khác có liên quan; Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ thông tin về vị trí, hành trình của phương tiện, thiết bị./.
Thanh Nga
Bình luận