Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 20:11
Thứ bảy, 13/01/2024 13:01
TMO - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị cần tập trung triển khai 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, cần phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi.
Trong cuộc họp mới đây về tình hình buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, năm 2023, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm 2022; trong đó thịt lợn hơi 4,87 triệu tấn, tăng 7,2%; thịt gia cầm hơi đạt 2,31 triệu tấn, tăng 6,0%. Sản lượng sữa tươi 1,17 triệu tấn, tăng 3,6%; trứng 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%. Việc kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm là nhiệm vụ quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, đến vấn đề an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu Thủ tướng 02 công điện và ra 18 văn bản chỉ đạo địa phương, ban ngành liên quan để có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Đặc biệt là Chỉ thị số 29 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.
Mô hình chăn nuôi tập trung góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Theo các chuyên gia, tình trạng nhập lậu là vấn đề lớn, tạo nguy cơ cao đối với ngành chăn nuôi. Thịt và các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam không theo con đường chính ngạch mang lại rủi ro dịch bệnh và hậu quả từ việc các sản phẩm chăn nuôi này có thể bị sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, ngành chăn nuôi không thể phát triển được. Cần có chính sách đặc thù để tăng tính tự vệ cho ngành chăn nuôi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, do đó các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh phối hợp, quyết liệt triển khai các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trong những năm qua, ngành chăn nuôi có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp nhưng xuất khẩu lại rất chậm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Cục Chăn nuôi cần tập trung triển khai 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 gồm phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi…/.
Nguyễn Hường
Bình luận